Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác GPMB

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 26/12, báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức giao lưu - tọa đàm trực tuyến cùng đại diện Ban chỉ đạo GPMB TP Hà Nội, UBND các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy và huyện Gia Lâm với chủ đề: "Tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB".

Hoàn thành nhiều dự án

Ông Nguyễn Thanh Chiêu Dương - Phó Trưởng Ban chỉ đạo GPMB TP chia sẻ, trong thời gian qua, công tác GPMB của Hà Nội đã đạt được những kết quả nhất định như: GPMB dự án đường 5 kéo dài, dự án cầu Nhật Tân, dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, dự án đường Vành đai 1 và 2…, tạo được những chuyển biến tích cực, góp phần thay đổi bộ mặt của Thủ đô.

 
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến tại báo Kinh tế & Đô thị. Ảnh:  Thanh Hải
Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến tại báo Kinh tế & Đô thị. Ảnh: Thanh Hải
Tại các quận, huyện, công tác GPMB đã có nhiều khởi sắc. Năm 2014, quận Thanh Xuân có 23 dự án triển khai công tác GPMB với 13 chủ đầu tư thực hiện. Một số dự án quan trọng như: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đường Vành đai 2, dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II, quận đã điều tra, khảo sát, xác nhận nguồn gốc đất, nhân khẩu, xây dựng và phê duyệt được 543 phương án với diện tích đất thu hồi hơn 36ha và giải ngân được trên 715 tỷ đồng.

Trên địa bàn quận Cầu Giấy có 68 dự án, với tổng diện tích đất phải thu hồi, GPMB 83,2ha, liên quan đến trên 3.500 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, trong đó phải bố trí tái định cư gần 1.300 hộ gia đình, cá nhân. Năm 2014, UBND quận Cầu Giấy đã hoàn thành công tác GPMB 13 dự án với 40,5ha. Có nhiều dự án trọng điểm của TP và quận chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô như dự án đường Vành đai 2, dự án thoát nước giai đoạn 2, dự án đầu tư xây dựng đường nối từ Bảo tàng Dân tộc học đến đường 32.

Là huyện ngoại thành của Hà Nội, trong quá trình đô thị hóa, Gia Lâm đã và đang thực hiện triển khai nhiều dự án trọng điểm của T.Ư và TP. Năm 2014, huyện đã triển khai thực hiện công tác GPMB 24 dự án với tổng số diện tích phải GPMB 33,9ha, liên quan đến 1.716 hộ dân.

Thiếu quỹ nhà, đất tái định cư

Mặc dù đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án, nhưng các quận, huyện vẫn gặp khó khăn trong quá trình triển khai. Các ý kiến cho rằng, một trong những điều kiện quyết định sự thành công của dự án khi thu hồi đất là phải đảm bảo kinh phí, quỹ nhà, đất tái định cư để bố trí và chi trả cho người bị thu hồi đất. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khó khăn trong GPMB tập trung chủ yếu do thiếu vốn, thiếu quỹ nhà, đất tái định cư. Theo ông Trần Đông Dực - Trưởng ban Bồi thường GPMB quận Cầu Giấy, khó khăn lớn nhất của quận trong công tác GPMB là thiếu quỹ nhà tái định cư. Trong khi, một số dự án trọng điểm của TP cần thiết có quỹ nhà tái định cư trước để di chuyển người dân về nơi tái định cư, bàn giao mặt bằng.

Bên cạnh đó, do lịch sử để lại, công tác quản lý đất đai của các địa phương có phần lỏng lẻo, không theo hệ thống, hồ sơ địa chính lưu trữ không đầy đủ. Nguyên nhân này cũng ảnh hưởng trực tiếp và gây chậm trễ trong việc xác nhận nguồn gốc đất làm căn cứ xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ về đất của nhiều địa phương. Đối với huyện Gia Lâm, theo ông Lê Anh Quân - Chủ tịch UBND huyện, trước đây, công tác quản lý đất đai được thực hiện theo Nghị định 64. Tuy nhiên do một số nơi, chính quyền thực hiện chưa đến nơi đến chốn, nên việc xác minh nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, ông Đặng Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân chia sẻ, trong quá trình triển khai, quận gặp phải nhiều khó khăn. Các dự án phụ thuộc vào cơ chế bố trí vốn, giải ngân, thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ, thỏa thuận bố trí nhà, duyệt giá nhà tái định cư chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ, dẫn đến triển khai thực hiện nhiệm vụ bị động.

Xóa nhà “siêu mỏng, siêu méo”

Thực tế, sau GPMB dự án cải tạo, xây dựng một số tuyến đường, trên địa bàn các quận, huyện xuất hiện nhà "siêu mỏng, siêu méo". Trả lời về biện pháp xóa nhà "siêu mỏng, siêu méo" , ông Nguyễn Thanh Chiêu Dương - Phó Trưởng Ban chỉ đạo GPMB TP khẳng định, với các trường hợp sau khi thu hồi có diện tích còn lại nhỏ hơn 15m2, các trường hợp có kích thước không hợp lý như hình lục lăng, hình chữ L..., TP đã giao cho UBND quận, huyện thu hồi, để bàn giao cho các phường làm các công trình công cộng như bản tin quảng cáo, trạm chờ xe buýt, vườn hoa hoặc hướng dẫn các hộ dân, gia đình, cá nhân hợp khối hợp thửa theo quy định. Hiện, trên địa bàn TP còn khoảng 100 nhà "siêu mỏng, siêu méo". Để xử lý các vấn đề phát sinh này, TP đã giao Sở QH - KT thành lập các tổ công tác đi kiểm tra, hướng dẫn xử lý để đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo trật tự xây dựng.

Là địa bàn có nhiều trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo", ông Đặng Hồng Thái - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, quận đã giao Phòng Quản lý Đô thị là cơ quan thường trực tham mưu xử lý các trường hợp không đủ diện tích xây dựng, có diện tích nhỏ hơn 15m2 và kích thước nhỏ hơn 3m2. Sau đó, quận gửi hồ sơ xuống các phường, yêu cầu không cấp phép đối với những trường hợp này. Cùng với đó, quận tổ chức tuyên truyền vận động các hộ dân hợp thửa, hợp khối. Hiện nay, trên địa bàn quận có 52 trường hợp đang trong giai đoạn vận động chuyển đổi hợp thửa, hợp khối, hoặc có phương án kiến trúc xây dựng phù hợp, hoặc các hộ có đơn tình nguyện thu hồi cũng lập luôn phương án bồi thường.