Chia sẻ bên lề buổi làm việc, ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết, trong khoảng 5 năm trở lại đây, thặng dư thương mại của Việt Nam vào thị trường Áo tăng trung bình 20 - 25%/năm.
Tính đến cuối năm 2012, đã có 21 dự án đầu tư của Áo vào Việt Nam, với tổng số vốn là 60,1 tỷ USD tập trung vào những ngành hàng chủ yếu là sản phẩm công nghiệp phụ trợ, máy móc, thiết bị công nghiệp. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại song phương lại chỉ dao động ở mức 600 triệu USD/năm. Đây là con số rất khiêm tốn nếu đem so sánh với tiềm năng hợp tác của hai nước.
Đại diện doanh nghiệp Việt Nam và Áo trao đổi bên lề buổi làm việc.Ảnh: Tùng Nguyễn
Với khoảng nửa triệu USD/năm, tỷ trọng xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam vào thị trường Áo trong nhiều năm qua chỉ đạt mức trung bình thấp so với mặt bằng chung châu Âu. Theo ông, nguyên do từ đâu?
- Theo tôi, có ba nguyên nhân chính khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chưa tạo được chỗ đứng tại thị trường Áo. Thứ nhất, Áo chưa phải là cửa ngõ giao thương của khu vực châu Âu. Thực tế là hiện nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa trực tiếp vào được thị trường các nước Đông Âu, mà phải thông qua các nhà nhập khẩu của những quốc gia khác như Anh, Pháp, Italia… Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta chưa xây dựng được một quy trình xuất khẩu thực sự bền vững.
Thứ hai, khoảng cách địa lý giữa hai nước khiến chi phí giao thương và giá cả hàng hóa bị đẩy lên cao.
Thứ ba, Áo là một quốc gia tương đối nhỏ. Chính vì vậy, thị trường tiêu thụ không lớn. Trong khi tâm lý chung của các DN Việt Nam vẫn là ưu tiên đầu tư vào những thị trường có sức tiêu thụ lớn hơn.
Trong thời gian tới, phía Bộ Công Thương sẽ có những chính sách hỗ trợ cụ thể nào nhằm tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận thị trường Áo nói riêng và Đông Âu nói chung?
- Hiện tại, Bộ Công Thương đang tiếp tục xúc tiến các chương trình làm việc với Chính phủ các nước khu vực Đông Âu nhằm tìm kiếm thị trường cho các DN Việt Nam. Các DN quan tâm có thể tìm kiếm các thông tin liên quan về cơ hội hợp tác đầu tư, môi trường kinh doanh qua các kênh thông tin của Bộ. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang cố gắng để hoàn tất quá trình đàm phán ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam - EU vào năm 2014. Điều này sẽ góp phần tạo nên một thị trường cạnh tranh lành mạnh hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi nhập cảnh vào thị trường EU.
Trong năm 2012, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế Áo đã ký kết bản ghi nhớ MOU về hợp tác song phương, với những cam kết hỗ trợ tích cực lẫn nhau trong các vấn đề kinh tế mà hai bên đảm trách.
Mới đây nhất, Vụ Thị trường châu Âu đàm phán thành công với EU để mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Áo và Đông Âu trong đó mặt hàng giày dép được EU cho hưởng ưu đãi GSP kể từ ngày 1/1/2014. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho xuất khẩu Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!