Tham dự tại đầu cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, cùng đại diện các sở, ban ngành và Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (HADICO).
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện. Đến nay, đã có 40/41 phương án tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của 40 tỉnh, TP, Tập đoàn, Tổng công ty. Đáng chú ý, phương án tổng thể của Hà Nội chưa được phê duyệt do TP đang xem xét để hoàn thiện Phương án theo ý kiến của Hội đồng thẩm định.Tổng hợp số liệu theo báo cáo của các địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty, diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng khoảng 2.366.397ha. Dự kiến tổng diện tích đất đai các công ty nông, lâm nghiệp giữ lại sau sắp xếp, đổi mới là: 1.892.486 ha. Đến 15/9/2017, giá trị tài sản theo sổ sách của các công ty nông, lâm nghiệp là 53.125 tỷ đồng; bình quân lợi nhuận trước thuế ba năm 2014 - 2015 - 2016 là 2.174 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.779 tỷ đồng. Khối các công ty nông nghiệp chiếm tỷ trọng tài sản và lợi nhuận cao hơn khối các công ty lâm nghiệp. Tổng số lỗ lũy kế 1.968 tỷ đồng chiếm 3% vốn chủ sở hữu, số lỗ lũy kế tập trung phần lớn tại các công ty nông nghiệp. Đáng chú ý, nhiều có công ty có lỗ lũy kế lên tới trên 20 tỷ đồng. Cũng theo số liệu báo cáo của các địa phương, đơn vị, số lao động trong các công ty đến thời điểm 15/9/2017 là 166.694 người, dự kiến tiếp tục sử dụng sau khi sắp xếp là 144.522 người. Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, mặc dù đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cùng các Bộ, ngành thường xuyên chỉ đạo sát sao, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn một số tồn tại. Đơn cử như: Vẫn còn một số địa phương, doanh nghiệp thực hiện chậm tiến độ như: Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Bạch Long, Rạng Đông (Nam Định), Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sóc Trăng, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Bình Thuận (Bình Thuận) và một số công ty thuộc UBND tỉnh Nghệ An. Một số địa phương khi xây dựng phương án tổng thể chưa sát thực tế, chưa đánh giá cân nhắc kỹ lưỡng về hình thức sắp xếp đổi mới nên sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể, tiếp tục đề nghị thay đổi, điều chỉnh mô hình sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp vì vậy đã làm chậm tiến độ thực hiện, như: Quảng Ninh, Bình Thuận, Nghệ An, Cà Mau, TP Hà Nội, Tổng công ty Cà phê Việt Nam. Việc triển khai thực hiện sắp xếp, đổi mới đối với hai mô hình cổ phần hóa và Công ty TNHH hai thành viên tại các địa phương rất chậm.Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty tiếp tục quán triệt quan điểm, tư tưởng, chủ trương, mục tiêu sắp xếp, đổi mới và phát triển các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2014 của Bộ Chính trị; Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành cơ bản việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp theo đề án được duyệt trong năm 2018. Giải quyết khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện cơ chế chính sách để công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp lành mạnh về tài chính, quản lý chặt chẽ đất đai, sản xuất kinh doanh có hiệu quả… Các địa phương khẩn trương hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới của các công ty nông, lâm nghiệp chưa thực hiện; báo cáo kịp thời khó khăn vướng mắc, cần thiết đề nghị điều chỉnh, bổ sung phương án. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương hoàn thành việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp; xử lý dứt điểm các trường hợp cho thuê, cho mượn, lấn chiếm, tranh chấp, liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai. Tập trung tiến hành xây dựng kế hoạch việc tiếp nhận đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp giao về địa phương quản lý sử dụng; Các bộ, ngành liên quan thường xuyên theo dõi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới.