Tại đây, đại diện Tổng LĐLĐ đã công bố kết quả khảo sát tình hình ngừng việc, đình công tại Việt Nam trong 3 năm 2013 - 2016. Trong đó, thông tin đáng chú ý là cho dù tình hình kinh tế, đời sống, việc làm cũng như mối quan hệ lao động tại các loại hình DN đã được cải thiện, song trên cả nước trong giai đoạn này vẫn xảy ra 1.284 cuộc tranh chấp lao động tập thể, đình công, chủ yếu diễn ra trong các ngành dệt may (39,17%), giày da (14,41%), điện tử (9,27%), chế biến gỗ (7,55%)...
Nhận định về nguyên nhân của tình trạng này, Trưởng Phòng Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Vinh Quang cho rằng, xuất phát từ cả phía người sử dụng lao động, người lao động (NLĐ), tổ chức công đoàn, cơ quan quản lý Nhà nước và do cả các quy định của pháp luật. Trong đó trước hết, do người sử dụng lao động tiếp nhận các bức xúc của NLĐ, kiến nghị của công đoàn mà không giải quyết ngay, hoặc thời gian giải quyết quá dài. Bên cạnh đó, cũng do đội ngũ nhân sự cấp trung gian là người Việt Nam của DN quản lý hà khắc, thái độ ứng xử không phù hợp; sự liên kết phối hợp chặt chẽ giữa các DN có cùng quốc tịch hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất để đồng loạt áp dụng các chế độ ở mức không cao cho NLĐ; người sử dụng lao động cũng không mặn mà, không bố trí để công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho NLĐ tại DN. Trong khi đó, nhiều DN chưa thành lập công đoàn cơ sở nên NLĐ không có kênh phản ánh bức xúc, mà cán bộ công đoàn cơ sở hầu hết kiêm nhiệm nên phụ thuộc người sử dụng lao động; năng lực, kỹ năng hoạt động của công đoàn thì hạn chế… Đặc biệt, để xảy ra tình trạng này, theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, công tác thanh tra, kiểm tra, phúc tra của các cơ quan nhà nước chưa đáp ứng được tình hình thực tế, trong đó nhiều DN bị thanh tra, kiểm tra và xử phạt nhưng vẫn không chấp hành quy định. NLĐ cho biết, nếu việc giải quyết sau các cuộc thanh tra, kiểm tra tại DN được thực hiện tốt thì họ đã không tiến hành đình công. Vì vậy, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị một trong các giải pháp cần thực hiện để giải quyết các tranh chấp lao động tập thể là công đoàn cơ sở cần thiết lập các kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hiệu quả, giám sát và phản ánh với công đoàn cấp trên, đồng thời tổ chức và phối hợp tổ chức đối thoại, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động tập thể… Cán bộ công đoàn cơ sở cần thường xuyên tiếp xúc với NLĐ qua các kênh thông tin để kịp thời nắm bắt, hướng NLĐ thực hiện quyền của mình đúng các quy định pháp luật. Đặc biệt, công đoàn cơ sở cần thường xuyên giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với NLĐ, nếu phát hiện vi phạm các quy định của pháp luật thì lập tức phản ánh tới công đoàn cấp trên để được hỗ trợ trực tiếp giải quyết, song song với việc chủ động kiến nghị với người sử dụng lao động thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Ngoài ra, công đoàn cơ sở cũng cần thường xuyên quan tâm tới việc đối thoại và phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại với NLĐ với sự tham gia trực tiếp của công đoàn cấp trên cơ sở. Trong các hoạt động thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đình công, công đoàn cơ sở chỉ tham gia với vai trò cung cấp thông tin, thực hiện các hoạt động theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của công đoàn cấp trên. Đặc biệt, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị bổ sung quyền ngừng việc tập thể để phản đối các vi phạm về quyền mà người sử dụng lao động không khắc phục vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).