Năm 2014 mùa thi thứ 3, hàng chục ngàn bài viết, đa dạng hình thức thể hiện, phong phú cách phản ánh, đề xuất giải pháp, phương kế cho giao thông Thủ đô đã được gửi về, BTC chắc chắn sẽ phải rất vất vả để có thể chọn ra những tác phẩm xuất sắc. Đặc biệt mùa thi này có sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên, học sinh, sinh viên với nhiều giải pháp được đề xuất để giảm ùn tắc và TNGT trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Báo Kinh tế & Đô thị xin trích đăng một số ý tưởng và đóng góp nhằm bảo đảm ATGT tại Thủ đô.
Để đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc, bên cạnh các giải pháp xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển vận tải công cộng vẫn cần một giải pháp quan trọng khác, là nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân. Trong đó, cách làm hiệu quả nhất, là việc giáo dục, tuyên truyền luật ngay từ trong nhà trường. Vấn đề ùn tắc giao thông hiện nay một phần do ý thức của người tham gia giao thông, bởi tất cả đều chen lấn, không nhường nhịn nhau. Do đó, giải pháp cơ bản đồng bộ cần phải triển khai trước mắt cũng như lâu dài là phải đưa giáo dục giao thông vào trường học. Trong các trường học hiện nay dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mức, do đó, cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền; đồng thời, có thêm buổi thực hành cho các em học sinh về ATGT, thậm chí tham gia hướng dẫn điều khiển giao thông cùng lực lượng CSGT. Việc tuyên truyền trong nhà trường sẽ tác dụng trực tiếp đến học sinh đồng thời gián tiếp đến các bậc phụ huynh với vai trò nêu gương cho trẻ.
Ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông
Hiện nay, vẫn nhiều học sinh đi xe đạp chưa đúng cách, dàn hàng ba, hàng bốn, mải nói chuyện nên không tập trung nhìn đường. Thậm chí, có những bạn thể hiện tay lái "lụa" rất nguy hiểm. Với những học sinh được bố mẹ chở đến trường, nhiều bạn không đội mũ bảo hiểm, trong khi, có những phụ huynh sử dụng điện thoại khi đang đi trên đường, dẫn đến lơ là trong việc điều khiển xe máy. Theo em, với các học sinh còn nhỏ tuổi, chưa vội tự đi xe đạp đến trường. Khi đi xe phải tập trung, đi đúng làn đường, chú ý xe cộ trên đường; khi sang đường phải chú ý, quan sát cẩn thận; không nên đi hàng ba, hàng bốn, lạng lách, trêu đùa nhau. Nếu đi xe máy cùng bố mẹ, các học sinh phải đội mũ bảo hiểm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn. Luôn có thái độ ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Thực tế đã có biết bao người chỉ vì có thái độ hành xử kém văn hóa như gây gổ, đánh nhau mà làm cho giao thông bị ùn tắc, thậm chí tạo nguy cơ TNGT.
Nguyễn Phương Thảo Lớp 5A, trường Tiểu học Phụng Châu, huyện Chương Mỹ
Tuyên truyền từ trong nhà trường Cô Dương Thị Tuyên Hiệu trưởng trường Mầm non Đức Hòa, xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn
Thay đổi khẩu hiệu để tuyên truyền hiệu quả hơn
Lời cảnh báo nguy hiểm bao giờ cũng tác động trực tiếp đến những đối tượng liên quan, khiến đối tượng phải để ý vấn đề trước khi làm. Trong giao thông điều này cũng rất hiệu quả. Nhìn lại vấn đề, có vẻ như khẩu hiệu "An toàn giao thông là hạnh phúc mọi nhà" lâu nay chưa thực sự gây được tác động mạnh, phát huy hiệu quả của việc tuyên truyền giao thông. Do đó, cần đưa ra một thông điệp có tính bao trùm các loại hình giao thông, mang tính quốc gia, tiệm cận với quốc tế. "An toàn giao thông là không tai nạn", suy rộng ra là để không xảy ra tai nạn, người tham gia phải quan tâm, có ý thức hơn khi tham gia giao thông. Nhờ đó, ý thức về an toàn khi tham gia giao thông mới được nâng cao.
KS Hà Trọng Dũng (41 Hàng Đậu, quận Hoàn Kiếm)
Khuyến khích cán bộ, công chức đi làm bằng xe buýt Phát triển giao thông công cộng tại Hà Nội chính là giải pháp hữu hiệu, chìa khóa để giải bài toán ùn tắc giao thông. Do đó, giao thông công cộng phải được ưu tiên phát triển từ cơ chế, chính sách, tạo đường riêng cho phương tiện vận tải công cộng giúp đi lại nhanh chóng thuận tiện, người dân từ bỏ phương tiện cá nhân chuyển sang phương tiện công cộng. Đặc biệt, có thể tính tới giải pháp khuyến khích mang tính chất bắt buộc để cán bộ công nhân viên chức dùng xe buýt đi làm. Song song với đó cần phải cải thiện số lượng và chất lượng dịch vụ xe buýt để không chỉ đáp ứng mà còn kích thích nhu cầu sử dụng của người dân.
Thượng sỹ Ngô Gia Lâm Đội Tổng hợp, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng & Đào tạo Huấn luyện PCCC, Cứu hộ cứu nạn
Tự nâng cao ý thức Trên các đường phố, khẩu hiệu "ATGT là hạnh phúc cho mọi nhà" như lời nhắc nhở, cảnh báo với những người tham gia giao thông, nhằm chấp hành tốt các quy định của luật giao thông, để mang lại hạnh phúc không những cho mình, gia đình mình, mà không ảnh hưởng đến những người khác khi cùng tham gia giao thông. Thế nhưng, hàng năm số vụ tai nạn giao thông không hề suy giảm mà ngược lại nó còn tăng lên rất nhiều, trong đó có rất nhiều học sinh. Để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, quan trọng nhất là ý thức của mỗi con người. Mặc dù ai cũng biết, cũng nghe nhiều, nói nhiều về việc chấp hành luật giao thông, nhưng tại sao tai nạn vẫn thường xuyên xảy ra? Một phần do không có biện pháp kiểm soát triệt để, một phần do ý thức người dân khi tham gia giao thông, cố tình phạm luật, uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu... Đồng thời, phải kể đến nhiều bậc phụ huynh nuông chiều con cái, cho điều khiển xe máy khi con chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm. Các học sinh tay lái còn yếu, chưa thể xử lý được các tình huống trên đường, nhưng lại rất thích thể hiện bản thân như lạng lách, đánh võng... Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường và là chủ nhân tương lai của đất nước, chúng em phải gương mẫu thực hiện những giải pháp thiết thực để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Đồng thời, phải chấp hành tốt luật giao thông để đem lại hạnh phúc cho những người xung quanh, là hạnh phúc của mỗi gia đình và toàn xã hội.
Lưu Thu Giang Lớp 5A, trường Tiểu học Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây
Phụ huynh phải làm gương
Để góp phần đảm bảo trật tự ATGT, theo tôi, mỗi một người phải tự ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Đừng nên xem thường việc bảo vệ bản thân khi tham gia giao thông mà đội mũ bảo hiểm kém chất lượng, vượt qua đèn đỏ, chạy quá tốc độ, sử dụng điện thoại di động khi lái xe, đi bộ không đúng nơi quy định. Khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện không được uống rượu bia. Nếu lỡ uống rượu bia nên đi xe buýt hoặc các phương tiện công cộng khác cho an toàn. Không nên coi việc vi phạm luật giao thông là chuyện nhỏ mà hãy xem đó là tội ác vì có thể gây thương vong cho bao người khác. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần tuân thủ Luật Giao thông đường bộ để làm gương cho con cái. Nếu như cha mẹ lái xe mô tô mà vượt đèn đỏ hay không đội mũ bảo hiểm thì làm sao con cái chấp hành tốt những quy định này? Cha mẹ cần quản lý con em mình, không để con em quá nhỏ tuổi tự đi học, các em học sinh lớn hơn nhưng chưa đủ tuổi, chưa được cấp giấy phép lái xe thì không được cho lái xe gắn máy. Ngoài ra, nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và có biện pháp ngăn ngừa tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông. Có thể hạ bậc hạnh kiểm nếu học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Nguyễn Thị Oanh Giáo viên trường Tiểu học Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm
Cải tiến câu hỏi thi lý thuyết cấp giấy phép lái xe
Nhiều người mặc dù đã có giấy phép lái xe (GPLX) xong mức độ hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ lại rất hạn chế, tình trạng vi phạm luật vẫn thường xuyên diễn ra. Nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề này chính là việc khâu tổ chức thi sát hạch còn nhiều bất cập, ý thức người thi còn kém. Điển hình như việc thi lý thuyết, cách sắp xếp đáp án, câu trả lời trong từng câu hỏi diễn ra khá cứng nhắc, không có sự thay đổi đã mặc nhiên giúp người thi nắm được quy luật và học mẹo. Điều này dẫn đến người thi sát hạch vẫn có thể qua mà không cần học, không nắm và hiểu luật. Do đó, để đảm bảo chất lượng, sát hạch, đánh giá đúng thực lực nhận biết của người thi, buộc người thi học và nắm luật thật cần có những đề thi câu hỏi, đáp án được thiết kế linh hoạt hơn. Học viên không thể học tủ, học mẹo, không qua nếu không thực sự hiểu và nắm luật. Chất lượng cuộc thi, giá trị của GPLX được nâng cao, đảm bảo ATGT.
Vàng Văn Vinh Sinh viên Đại học Luật Hà Nội
Phụ huynh đóng vai trò quan trọng Việc phổ biến kiến thức ATGT cho các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường đã được các nhà trường, tổ chức xã hội, đoàn thể quan tâm thực hiện trong thời gian vừa qua. Bởi, nếu thực hiện tốt biện pháp tuyên truyền này sẽ góp phần trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng đảm bảo việc tham gia giao thông an toàn. Và hơn hết sẽ góp phần xây dựng lên một thế hệ người Việt việc hiểu luật, biết tuân thủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp trên hiện đang bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, ở những chương trình đó, các em được trang bị kiến thức về ATGT để vận dụng vào cuộc sống hàng ngày, tuy nhiên trẻ bậc tiểu học đa số là do cha mẹ, người lớn chở đến lớp nên họ có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành ý thức chấp hành luật giao thông của các em. Nếu những vi phạm đó không bị xử lý, và người lớn không có những lời giải thích cụ thể cho các em hiểu thì việc giáo dục ATGT sẽ không đem lại hiệu quả.
Phạm Thị Chi Giáo viên trường Tiểu học Phan Chu Trinh, Ba Đình
Đừng đổ lỗi cho số mệnh Đã từ lâu, TNGT trở thành một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có quan niệm rằng tai nạn nói chung và TNGT nói riêng là do số mệnh của con người, muốn tránh cũng không tránh được. Họ không hiểu, hoặc cố tình không hiểu rằng TNGT sẽ không tìm đến với mình nếu chấp hành nghiêm các quy định của luật giao thông. Do đó, để giảm thiểu TNGT ngoài việc các lực lượng chức năng cần thực hiện các biện pháp như cải tạo, xây dựng hạ tầng giao thông; Tăng cường tuyên truyền kết hợp với xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm luật giao thông… thì bản thân người tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Bởi sẽ không ai có thể lo lắng cho họ, giúp họ hạn chế được những nguy cơ xảy ra TNGT… trừ bản thân họ.
Nguyễn Tuấn Thành Lớp 5B, trường Tiểu học Nghĩa Tân, Cầu Giấy
Đừng thờ ơ, thiếu trách nhiệm với ATGT Hàng ngày khi đi trên đường chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến luật giao thông như: "Đã uống rượu, bia không lái xe", "Nhanh một phút - Chậm cả đời", " Đội mũ bảo hiểm đúng quy định khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện"… Tuy nhiên, trên thực tế người tham gia còn quá thờ ơ, không dám lên tiếng trước những hành vi vi phạm luật giao thông. Trong nhiều trường hợp, người tham gia giao thông có tâm lý sợ bị trả thù, sợ phiền phức, thậm chí coi đó là việc của người khác mà im lặng trước những hành vi vi phạm. Họ chỉ có ý kiến, phản ứng khi những người thân trong gia đình của họ là nạn nhân của những vụ tai nạn. Nhưng, nếu ai cũng cho cũng thờ ơ, thiếu trách nhiệm, coi những hành vi vi phạm, TNGT không phải là việc của mình, đó là việc của xã hội thì đất nước sẽ ra sao. Do đó, để ATGT là niềm hạnh phúc của mỗi gia đình thì mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.
Nguyễn Huy An Lớp 10A1, trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa
Dạy trẻ đi bộ an toàn Để đảm bảo ATGT cho trẻ, ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ tham gia giao thông một cách an toàn, nhất là cách làm thế nào để đi bộ đúng cách. Dạy trẻ biết các phần đường dành cho người đi bộ thông qua tranh ảnh, logo về giao thông và thực tế khi đi trên đường. Dạy trẻ đi bộ an toàn bằng việc đi trên vỉa hè, đi đúng phần đường quy định. Quan sát kỹ khi qua đường, đợi ít xe mới sang, chấp hành theo tín hiệu và chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Không chạy nhảy, chơi đùa trên lòng đường vỉa hè. Khi đi từ ngõ ra đường phải biết quan sát, đi từ từ nhập làn. Đặc biệt hướng dẫn trẻ không được dàn hàng ngang, vừa đi vừa nói chuyện, nô đùa, chạy nhảy khi qua đường.
Lê Minh Ngọc Lớp 5G, trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng
Phát triển vận tải hành khách công cộng Một trong những giải pháp quan trọng đã được Chính phủ, Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo và được nhiều tỉnh, thành áp dụng đem lại hiệu quả thiết thực đó là phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Đây là phương tiện công cộng sức chứa lớn, khá phổ biến ở hầu hết các đô thị trên thế giới. Ở nước ta, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đang và sẽ vẫn giữ vai trò chủ đạo trong việc phục vụ người dân đi lại tại nhiều nơi, nhất là các thành phố lớn, khu trung tâm. Hà Nội là nơi có vị trí giao thông thuận lợi, tập trung nhiều học sinh, sinh viên và nhu cầu đi xe buýt rất cao. Trên địa bàn, hoạt động vận tải hành khách diễn ra sôi động, khối lượng vận chuyển hàng năm đều tăng và dự báo nhu cầu đi lại, vận chuyển sẽ vẫn tiếp tục gia tăng cùng với yêu cầu chất lượng dịch vụ tốt hơn. Nếu thành công trong việc phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sẽ góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường; đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Đào Văn Sơn Lớp 8A5, trường THCS Ngọc Lâm, quận Long Biên
Phạt nghiêm để thay đổi thói quen xấu Thực tế cho thấy, không phải người tham gia giao thông không biết những hành vi như lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, uống rượu bia khi tham gia giao thông… là sai quy định của pháp luật, có thể gây nguy hiểm cho bản thân mình và những người khác. Thế nhưng, biết là một việc và thực hiện hay không lại là một câu chuyện khác, đặc biệt là những người đã sử dụng rượu, bia. Như vậy có thể thấy, nếu chỉ trông chờ vào những biện pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục người tham gia giao thông là chưa đủ. Để hình thành ý thức, văn hóa giao thông, các lực lượng như CSGT, Thanh tra GTVT, CSTT cần phải thay đổi cách làm nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm. Cụ thể, thay vì đứng chốt phải tăng cường tuần tra lưu động; tắt điện thoại, tránh tình trạng người vi phạm cầu cứu người thân; tích cực cung cấp thông tin về nơi làm việc, học tập của người vi phạm… để các đơn vị tiếp tục có hình thức xử lý.
Nguyễn Thị Hương Giáo viên trường Tiểu học thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn