Bến xe Cao Bằng vẫn tiếp tục tạm dừng hoạt động xe khách liên tỉnh để ưu tiên phòng, chống dịch Covid. Ảnh: Hòa Thắng |
“Cởi trói” cho hoạt động vận tải hành khách
Trong văn bản này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các tỉnh, TP thuộc Nhóm 3 được phép hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh. Tuy nhiên, nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 giữa các địa phương, đặc biệt là những địa phương thuộc Nhóm 1 (nhóm có nguy cơ cao) và Nhóm 2 (nhóm có nguy cơ thấp), Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu 35 tỉnh, TP thuộc Nhóm 3 chỉ được thực hiện vận chuyển hành khách liên tỉnh giữa các tỉnh, TP thuộc nhóm 3 với nhau. Tuyệt đối không được đi qua các tỉnh, thành thuộc 2 nhóm còn lại.
Việc các tỉnh Nhóm 3 có cho hoạt động hay tiếp tục dừng vận tải hành khách liên tỉnh theo hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là vấn đề thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Còn cơ quan Nhà nước đã hướng dẫn chi tiết rồi. Còn những vấn đề khó khăn phát sinh như phải đi vòng thì cũng phải chấp nhận bởi tất cả vì mục tiêu phòng dịch. Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện |
Một điều kiện khác để các DN vận tải hành khách các tỉnh Nhóm 3 được phép hoạt động liên tỉnh là các xe phải đáp ứng các yêu cầu Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ: Số lượng hành khách trên mỗi chuyến xe không được vượt quá 50% sức chứa và tối đa không quá 20 người/chuyến; các nhà xe phải bố trí hành khách ngồi giãn cách, xen kẽ giữa các hàng ghế; toàn bộ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách phải đeo khẩu trang, được kiểm tra y tế, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi lên xe và khai báo y tế theo quy định. Trước và sau khi đón, trả khách, các xe phải thực hiện tẩy rửa, khử trùng toàn bộ. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở GTVT các địa phương bố trí, sắp xếp lại biểu đồ chạy xe trên các tuyến cố định liên tỉnh để bảo đảm cắt giảm tối thiểu 50% số chuyến theo biểu đồ chạy xe đã được duyệt cũng như phải bố trí cán bộ theo dõi tình hình hoạt động của các phương tiện trên hệ thống giám sát bằng thiết bị giám sát hành trình để kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm.
Văn bản hướng dẫn chi tiết của Tổng cục Đường bộ Việt Nam được đánh giá là một sự “cởi trói” cho hoạt động vận tải hành khách. Tuy nhiên, sau ít ngày triển khai có vẻ như không nhiều địa phương tỏ ra mặn mà với sự “cởi trói” này khi nhiều nơi tiếp tục dừng toàn bộ hoạt động xe khách liên tỉnh để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch.
Ưu tiên hàng đầu là phòng chống dịch
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị sáng 19/4, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết, hiện toàn bộ hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh của địa phương này đều đang tạm dừng. “Các tỉnh lân cận Cao Bằng như Lạng Sơn, Hà Giang, Thái Nguyên đều nhóm thuộc Nhóm 2. Chỉ còn lại mỗi Bắc Kạn là đi được nhưng lại không có tuyến nào. Trước mắt chúng tôi sẽ dừng đến ngày 24/4 rồi sẽ quyết định tiếp” – ông Ánh nói. Các hoạt động vận tải nội tỉnh Cao Bằng được địa phương cho phép hoạt động nhưng giảm 50% tần suất và khai thác 50% chỗ ngồi thiết kế để bảo đảm khoảng cách an toàn giữa các hành khách.
Nói về quan điểm của địa phương, ông Hoàng Xuân Ánh khẳng định, ưu tiên hàng đầu của Cao Bằng lúc này là phòng, chống dịch bệnh Covid-19: “Vận tải hành khách liên tỉnh lúc này vẫn rất nguy hiểm. Bởi nếu kiểm soát không chặt thì chỉ có một nguồn lây bệnh lọt vào tỉnh là rất nguy hiểm”. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, vận tải hành khách liên tỉnh muốn bảo đảm trước hết phải làm tốt việc kiểm soát dịch bệnh từ đầu đi. Ngoài ra, phải kể tới vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng chức năng kiểm soát trên đường. Bởi nếu để các xe bắt khách dọc đường thì nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh sẽ càng lớn. Ngoải ra, với việc chỉ được phép hoạt động 50% tần suất và 50% chỗ ngồi thiết kế thì việc chạy liên tỉnh sẽ không mang lại hiệu quả cao. “Được một chút mà nếu có sai sót gì thì mất nhiều hơn. Thế nên lúc này cùng nhau dừng đến khi cả nước kiểm soát được hết dịch bệnh là tốt nhất” – ông Ánh khẳng định. Được biết, giống với Cao Bằng, nhiều địa phương khác như Sơn La, Điện Biên, Hải Dương... cũng chủ trương tiếp tục dừng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh để bảo đảm chống dịch.
Trong khi đó, tỉnh Hòa Bình là địa phương cho phép hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh theo văn bản hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị sáng 19/4, Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình Bùi Đức Hậu cho biết, địa phương quán triệt các tuyến cố định không đi đến và không đi qua các vùng có dịch. “Chúng tôi đã điều chỉnh lại biểu đồ chạy xe và phương án tuyến, đồng thời chỉ cho phép DN khai thác 50% số lượng xe đăng ký, chở 50% số ghế, phải bảo đảm khoảng cách an toàn, vệ sinh phòng dịch” – ông Hậu nói. Các tuyến xe buýt đến các địa phương vùng dịch như tuyến buýt Hòa Bình – Hà Nội, Hòa Bình – Hà Nam đã tạm dừng còn taxi chỉ cho hoạt động 50%. Lãnh đạo Sở GTVT Hòa Bình cũng bày tỏ quan điểm, lực lượng chức năng các địa phương cần có sự phối hợp để kiểm soát hoạt động xe khách liên tỉnh trên lộ trình di chuyển. “Tỉnh Hòa Bình đều có các chốt chặn đến các địa phương có dịch và cũng có công văn đề nghị các tỉnh phối hợp, cử lực lượng ra các chốt chặn để kiểm tra” – ông Hậu cho biết.