Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều điểm mới tại lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2024

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-UBND huyện Gia Lâm vừa ban hành kế hoạch tổ chức lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2024. Đây là lễ hội truyền thống đặc sắc của xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo kế hoạch, lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm 2024 được tổ chức từ ngày 8/5 – 17/5/2024 (tức mùng 1/4 đến mùng 10/4 năm Giáp Thìn), tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng và các điểm du lịch.

Ông Hiệu Cờ tại lễ hội Gióng đền Phù Đổng.                       Ảnh: Hoàng Quyết.
Ông Hiệu Cờ tại lễ hội Gióng đền Phù Đổng.                       Ảnh: Hoàng Quyết.

Lễ hội Gióng bao gồm phần lễ và phần hội đan xen nhau, với đầy đủ các nội dung của lễ hội truyền thống. Trong đó, phần lễ từ ngày 13/5 - 16/5 (tức mùng 6 đến mùng 9/4 năm Giáp Thìn) gồm: lễ tế Thánh tại đền Thượng; ngoại đàn tại sân đền Thượng; rước khám đường; lễ rước cỗ về đền Mẫu; hội trận truyền thống tại Soi Bia.

Phần hội từ ngày 8/5 – 17/5 (tức mùng 1 đến mùng 10/4 năm Giáp Thìn) với các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống như: hát tuồng, cải lương, quan họ; hội thi “Tiếng hót chim chào mào”; chung kết hội thi “Tìm hiểu về di tích lịch sử” trên địa bàn huyện. Các hoạt động thể dục thể thao như: giải chạy “Tinh thần Phù Đổng” năm 2024; thi đấu giải cầu lông, bóng chuyền, cờ tướng, vật dân tộc…

Đặc biệt, tại lễ hội Gióng đền Phù Đổng năm nay, Ban tổ chức còn triển khai các hoạt động quảng bá du lịch như: phối hợp xây dựng chương trình giới thiệu quảng bá về di tích và lễ hội. Khai trương tuần lễ du lịch và tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm; giới thiệu các sản phẩm du lịch, ẩm thực địa phương. Tổ chức các gian hàng “Chợ quê” trưng bày sản phẩm OCOP, nông sản và xúc tiến quảng bá du lịch Phù Đổng và du lịch Gia Lâm. Tổ chức hội thi nấu cơm, làm cơm nắm, muối cà dâng Đức Thánh Gióng…

Đến thời điểm này, Ban tổ chức lễ hội Gióng đền Phù Đổng đã chọn được các vai tham gia lễ hội. Trong đó: ông Hiệu Cờ là người thôn Đổng Xuyên; ông Hiệu Trung Quân người thôn Phù Đổng; ông Hiệu Chiêng người thôn Phù Dực; ông Hiệu Trống người thôn Đổng Viên; đội quân Phù Giá 70 người (mỗi thôn 10 người); Xướng Xuất 4 người (chọn trong đội Phù Giá); đoàn Ải Lao 30 người; làng Áo Đỏ 34 em; làng Áo Đen 40 người; Bát Tiên 8 người (thôn đi Hiệu Trung Quân). Các vai ông Hiệu tại các thôn hiện đang tích cực tập luyện để tham gia lễ hội.

UBND xã Phù Đổng cũng đã triển khai kế hoạch tổ chức lễ hội Gióng đền Phù Đổng tới tất cả các đơn vị, bộ phận liên quan, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền quảng bá lễ hội và tuần lễ du lịch trên địa bàn; công tác chuẩn bị tổ chức để lễ hội diễn ra vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.

Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng huyện Gia Lâm đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; hưởng ứng Tuần văn hóa du lịch Gia Lâm năm 2024, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).