Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều điểm mới trong Luật Cạnh tranh 2018

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/9, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phối hợp với Chương trình "Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam" (Aus4Reform) tổ chức hội thảo tuyên truyền phổ biến Luật Cạnh tranh Việt Nam 2018.

Luật Cạnh tranh Việt Nam 2018 điều chỉnh nhiều nội dung liên quan tới các quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, tố tụng cạnh tranh, xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh và quản lý Nhà nước về cạnh tranh...
Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, so với Luật Cạnh tranh 2004, luật mới được mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm cả DN sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, DN hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; các hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan...
 Toàn cảnh hội thảo
Cơ bản nhất là sửa đổi, bổ sung hành vi bị cấm đối với cơ quan Nhà nước, các quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và quy định về chính sách khoan hồng. Ngoài ra, Luật Cạnh tranh 2018 còn bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường, Hoàn thiện các quy định về kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh, các quy định về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh....
Đáng chú ý, Luật quy định tổ chức lại cơ quan cạnh tranh để tăng cường hiệu quả thực thi Luật quy định thành lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trên quan điểm tổ chức lại các cơ quan cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh năm 2004 bao gồm Cơ quan quản lý cạnh tranh (hiện nay là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng) và Hội đồng Cạnh tranh (bao gồm cả bộ phận giúp việc là Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh). Đây là điểm mới quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi của cơ quan cạnh tranh. Mô hình Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phù hợp với xu hướng chung của thế giới đồng thời giúp thu giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả phù hợp với bối cảnh kinh tế và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
So với Luật Cạnh tranh 2004, luật mới cũng hoàn thiện hơn về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh, qua đó đơn giản hóa và rút ngắn thời gian. Bên cạnh đó, luật phân biệt rõ ràng giữa các khâu, mỗi khâu gắn với trách nhiệm rõ ràng của các bên tham gia. Ngoài ra, luật quy định rõ ràng chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; đảm bảo sự rõ ràng và minh bạch của hệ thống pháp luật.
Ngày 12/6/2018, Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 5 với 95,28% đại biểu biểu quyết tán thành. Luật Cạnh tranh năm 2018 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019.