Chỉ sau một đêm, nước đổ về trắng đồng làm nhiều diện tích rau màu đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại nặng nề. Trở tay không kịp Sáng 25/5, dọc tuyến đê tả Đáy qua các xã Song Phượng (Đan Phượng), Minh Khai, Dương Liễu, Yên Sở, Tiền Yên, Song Phương (Hoài Đức), trước mắt chúng tôi là hình ảnh những cánh đồng mênh mông nước. Lội bì bõm thăm ruộng rau mồng tơi, cải củ đang ngâm trong dòng nước đỏ ngầu, bà Phí Thị Chung (thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) thở dài ngao ngán, bởi hơn một sào rau đã đến kỳ thu hoạch của gia đình bà đang có nguy cơ mất trắng. “Mưa to kéo dài nên nhà tôi không kịp thu hoạch. Rau ngâm nước lâu, có cắt về nhà mà không bán kịp thì cũng nhanh bị thối” – bà Chung chia sẻ, rồi nhẩm tính vụ rau này bà thất thu ngót nghét chục triệu đồng.
Nằm dưới chân đê, dù là vùng đất bãi, song nhiều khu đồng của xã Tiền Yên là chân ruộng trũng, thoát nước chậm. Chính vì vậy, lượng mưa lớn dồn về trong đêm khiến cho đồng ruộng bị ứ nước, gây ngập úng. Xung quanh ruộng nhà bà Chung, nhiều gia đình khác cũng huy động nhân lực đi thu hoạch rau. Ông Kiều Duy Lợi (thôn Tiền Lệ) có 2 sào rau cải củ bị dập nát tơi tả, đất bám đỏ ngầu trên thân, lá rau mà theo như ông Lợi “không biết mang đi bán người ta có mua hay không?”. Thống kê nhanh của HTX Nông nghiệp Tiền Lệ, toàn HTX có khoảng 15ha rau bị ngập, trong đó ngập nặng 10ha. Một lãnh đạo HTX Tiền Lệ chia sẻ, với tình hình chậm thoát nước như hiện nay, nếu thời tiết nắng lên trong một vài ngày tới, toàn bộ diện tích rau bị ngập úng sẽ thối. Chỉ khi duy trì thời tiết mát mẻ, bà con nông dân mới có thể vớt vát được chút ít. Hiện nay, các hộ dân đang khẩn trương thu hoạch rau để bán, nhất là những diện tích tại các khu ruộng trũng, ngập. Cùng với huyện Hoài Đức, nhiều diện tích cây trồng vùng trũng thấp thuộc các xã Tiền Phong, Đại Thịnh, huyện Mê Linh cũng bị ngập trong nước chỉ sau một đêm. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà – Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho hay, đến trưa 25/5, nước tại các khu đồng đã rút. Tuy nhiên, nhiều hộ dân thuộc vùng chuyên sản xuất hoa nêu trên vẫn bị thiệt hại đáng kể do mưa lớn làm hư hỏng những nụ hoa chớm nở. Gặt lúa chạy đồng Mới sáng sớm ngày 25/5, khi trời còn lất phất mưa, chị Hoàng Thị Hoa, thôn Đông, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ đã tất tả chạy ra đồng thăm mấy ruộng lúa bắt đầu chín, trên tay cầm theo bó rơm để buộc lúa đổ. Cũng may, ruộng lúa nếp chín vàng ươm nhà chị Hoa chỉ bị đổ một vạt nhỏ, trong khi một số hộ xung quanh bị đổ nhiều hơn. Cẩn thận kéo từng khóm lúa bị mưa quật nằm rạp xuống ruộng lên, chị Hoa dùng rơm bó chặt để giữ cho cây lúa đứng vững. Chị Hoa cho biết, chỉ còn 3 – 4 ngày nữa là gặt, nếu không bó kịp, hạt thóc gặp nước mưa dưới ruộng sẽ bị “mộng” (mọc mầm). “Cũng may trận mưa lớn, nhưng gió không mạnh, nếu không, lúa đổ hết thì thiệt hại còn nặng hơn” – chị Hoa chia sẻ. Theo quan sát của phóng viên, trên các cánh đồng Vừng, đồng Láng của thôn Đông, sau trận mưa lớn, một phần diện tích lúa đã bị đổ. Trong ngày hôm qua, khá đông các hộ dân đã ra đồng bó, buộc lúa để giảm thiệt hại do mưa. Đáng chú ý, trên cánh đồng Vừng, vốn là khu trũng nên nhiều ruộng lúa bị ngập nước đến cổ bông. Trên kênh Tây Ninh – dòng chảy thoát nước của toàn xã Phụng Thượng, nước dồn về khá nhiều nên nước rút chậm. Tuy nhiên, theo nhận định của các hộ dân, nếu nước rút trong một vài ngày tới, diện tích lúa vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều.
Nếu như lúa Xuân ở xã Phụng Thượng mới bắt đầu vào chín, thì ở xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, người dân đang bước vào vụ thu hoạch lúa Xuân. Sáng 25/5, dù trời vẫn mưa nhưng trên cánh đồng Cây Dông, xã Đại Đồng, lác đác vẫn có vài hộ dân ra đồng gặt lúa. Một chiếc máy phụt chạy xình xịch nhả từng đám rơm tung tóe ra mặt đường. Ba người nhà bà Khuất Thị Hồng, thôn Đình Rối, xã Đại Đồng luôn tay phụ với thợ phụt, người bốc lúa, người đóng thóc vào bao. Bà Hồng cho biết, gia đình bà có 1 mẫu lúa, trong đó cơ bản đã chín rộ nên dù trời mưa vẫn phải huy động người ra gặt, bởi nếu để ngoài đồng, lúa sẽ bị đổ hoặc mọc mầm. “Cả đêm tôi thao thức lo không ngủ được vì sợ mưa làm đổ lúa” – bà Hồng tâm sự. Khẩn trương tiêu nước cứu lúa Trước tình hình mưa lớn gây ngập úng ở nhiều nơi, trong ngày hôm qua (25/5), các địa phương đã tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo các biện pháp giúp người dân khắc phục hậu quả do thiên tai. Tại huyện Mỹ Đức, lượng mưa đo được vào sáng sớm ngày 25/5 đạt ở ngưỡng trung bình 160 – 190mm. Nhờ vận hành 2 trạm bơm chính là Bạch Tuyết và Phù Lưu Tế, đến chiều qua, lượng nước ở các xứ đồng đã giảm ở mức ổn định. Toàn huyện có gần 1ha lúa bị ngả và đổ nhẹ, song nông dân ở một số xã đã khắc phục xong bằng phương pháp buộc lúa. So với các huyện khác, Thanh Oai có lượng mưa lớn hơn cả, tại một số điểm như Đỗ Động, Cao Dương, lượng mưa đo được lên tới 350mm khiến một diện tích lúa đáng kể trên địa bàn huyện bị ngập cổ bông. Nắm được tình hình, Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai của huyện đã thành lập 4 đội kiểm tra tại 4 cụm xã, thị trấn để khảo sát thực tế tình hình ảnh hưởng của mưa đến sản xuất, sinh hoạt của bà con. Cùng với đó, huyện phối hợp với Công ty Thủy lợi sông Đáy vận hành tối đa công suất của trạm bơm La Khê. Dự kiến, đến sáng nay (26/5), lượng nước sẽ rút hoàn toàn về mức ổn định. Tại huyện Ứng Hòa, lượng mưa đo được vào sáng sớm 25/5 cao nhất là 190mm tại xã Ngoại Độ, đứng thứ hai là thị trấn Vân Đình với 162mm. Ngay trong sáng 25/5, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai huyện Ứng Hòa đã gửi công điện khẩn tới các địa phương trên địa bàn tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động phương án ứng phó nếu mưa tiếp tục xảy ra. Ông Lê Chí Viễn – Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết, từ 5 giờ sáng 25/5, huyện đã vận hành trạm bơm tiêu thị trấn Vân Đình với 8 máy bơm nhằm tiêu úng kịp thời, đảm bảo sản xuất của nông dân không bị ảnh hưởng.
Bà Phí Thị Chung, thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức bên ruộng rau ngập nước. Ảnh: Văn Thắng |
Tính đến trưa 25/5 khi mưa đã ngưng hẳn, trên địa bàn TP có trên 1.600ha lúa, hoa màu bị ngập sâu trong nước. Nặng nề nhất là các quận, huyện: Thanh Oai (1.200ha), Hà Đông (169ha), Quốc Oai (132ha), Phúc Thọ (105ha)… Trước diễn biến ngập úng, các DN thủy lợi của TP đã cho vận hành 37 trạm bơm với tổng số 203 máy bơm các loại, giúp tiêu úng, giảm thiểu thiệt hại do úng ngập gây ra. Ông Chu Văn Tuấn Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội) |