KTĐT - Xu hướng chú trọng đến nguồn nhân lực lâu dài qua những hợp đồng ký kết với các đơn vị đào tạo được DN chú trọng. Tại nhiều trường nghề như Nguyễn Hữu Cảnh, Phú Lâm, Cao Thắng, Lý Tự Trọng... nhiều sinh viên chưa tốt nghiệp đã được các công ty đặt hàng tuyển dụng.
Thiếu hụt lao động đã khiến doanh nghiệp “thoáng” hơn trong việc chọn ứng viên cũng như tạo cơ hội việc làm cho người lao động.
Tuần trước, Công ty Mtex VN (KCX Tân Thuận-TPHCM) kết thúc chương trình thực tập dành cho 30 sinh viên khoa cơ khí Trường Cao đẳng Nghề TPHCM. Công ty có nhu cầu nhận những sinh viên này vào làm việc nhưng hầu hết đều từ chối.
Tuyển lao động qua tập sự
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phòng Quản lý Công ty Mtex VN, cho biết lý do họ từ chối là ngại làm công việc phổ thông, lương thấp.
Còn ở Công ty Yuki VN (KCX Tân Thuận), để tuyển được 50 lao động ngành cơ khí, công ty cũng có chính sách cho sinh viên các trường vào thực tập để có thêm nguồn lao động trong thời buổi khan hiếm nhân lực như hiện nay. Thế nhưng, nhiều sinh viên thực tập xong lại ra đi. Đến nay, nhu cầu tuyển dụng 50 lao động cơ khí vẫn còn bỏ ngỏ dù công ty đã gửi nhu cầu tuyển dụng đến không ít trung tâm giới thiệu việc làm ở TP.
Để có lao động, nhiều doanh nghiệp (DN) thay vì ngồi chờ đã chủ động tìm kiếm từ nhiều nguồn hoặc bỏ chi phí để đào tạo nguồn nhân lực. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, nhận định: “Thay cho những đợt tuyển dụng gắt gao, nhiều DN đã có cách nhìn thoáng hơn trong việc chọn ứng viên cũng như tạo cơ hội việc làm cho người lao động”.
Tại Công ty Memsonics, để có đủ lao động cho năm 2010, công ty đã đặt hàng Trường Cao đẳng Nghề Đồng An đào tạo lao động sản xuất linh kiện điện tử. Ông Lương Hoàng Nguyên, giám đốc điều hành công ty, cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ 1/3 thời gian cho quá trình đào tạo. Ngoài việc gửi chuyên gia sang trường cùng huấn luyện sinh viên, chúng tôi cũng sẽ tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập, hỗ trợ trang thiết bị để giúp họ nâng cao tay nghề, đáp ứng nhu cầu công việc”.
Đặt hàng trường nghề
Xu hướng chú trọng đến nguồn nhân lực lâu dài qua những hợp đồng ký kết với các đơn vị đào tạo cũng được DN chú trọng. Tại nhiều trường nghề như Nguyễn Hữu Cảnh, Phú Lâm, Cao Thắng, Lý Tự Trọng... nhiều sinh viên chưa tốt nghiệp đã được các công ty đặt hàng tuyển dụng.
Nhiều DN còn mạnh dạn liên kết với trường nghề mở xưởng thực hành như Công ty CP Thực nghiệm Long Hoa. Để có lao động phục vụ cho ngành chế biến thực phẩm, công ty đã liên kết với Trường Cao đẳng Nghề TPHCM mở xưởng thực nghiệm công nghệ thực phẩm với chi phí gần 2 tỉ đồng. Ông Trần Kim Tuyền, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Nghề TPHCM, cho biết đã có 30 sinh viên của ngành chế biến thực phẩm tốt nghiệp. Tất cả đều được Công ty Long Hoa nhận vào làm việc với mức lương cao. Ngoài ra, ở các ngành khác như cơ khí, điện tử công nghiệp, điện lạnh... nhiều DN cũng đặt hàng và 100% sinh viên được tuyển dụng trước khi tốt nghiệp.
Chia sẻ trách nhiệm
Tại nhiều hội thảo gần đây, đại diện các DN hay than phiền chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng nhu cầu. Điều này không khỏi gây tâm tư cho các đơn vị đào tạo khi “sản phẩm” của mình không được xã hội chấp nhận. Tuy nhiên, phải sòng phẳng nhìn nhận: Để có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu, không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà đòi hỏi trách nhiệm của chính DN - những người trực tiếp sử dụng lao động. Bởi nhà trường chỉ đào tạo cho sinh viên những kiến thức nền, những kỹ năng, công nghệ cơ bản. Với cái “nền” ấy, tùy vào điều kiện thực tế của từng DN mà đào tạo bổ sung cho phù hợp với điều kiện, tính chất, công nghệ của DN.
Nếu DN muốn có nhân lực sử dụng ngay thì phải “đặt hàng”, phải chia sẻ trách nhiệm với nhà trường chứ không nên mang tâm lý chờ người khác dọn bàn tiệc sẵn cho mình. DN phải hiểu điều này thì mới thôi than phiền, trách móc, mới có thể chủ động tìm và giữ được nguồn lao động.