Kinhtedothi - Hôm nay (13/11), ngành GD&ĐT Thủ đô long trọng kỷ niệm 60 năm thành lập; tuyên dương khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu của Thủ đô năm 2014 và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất - Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Tiên phong đổi mới giáo dục
60 năm trước, vào những ngày đầu tháng 10/1954 lịch sử, trong niềm hân hoan của Nhân dân Hà Nội trước công cuộc xây dựng cuộc sống mới, những người làm giáo dục Thủ đô nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm khi tiếp quản một mạng lưới giáo dục còn chưa phát triển. Cả Hà Nội lúc đó có 3 trường mầm non, 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông và một trường kỹ nghệ thực hành với chưa đầy một vạn học sinh (HS).
Đến nay, sau chặng đường 60 năm, ngành GD&ĐT Hà Nội đã gặt hái được những thành quả "ấn tượng", quy mô trường học trên địa bàn liên tục phát triển. Toàn TP có 2.557 trường học và cơ sở giáo dục với
hơn 1,6 triệu HS; 116.000 cán bộ giáo viên, nhân viên. Tháng 12/2013, Hà Nội được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, về đích trước kế hoạch của TP 1 năm và trước 2 năm so với toàn quốc. Bậc giáo dục tiểu học tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cao phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ II và chất lượng dạy học 2 buổi/ngày. Các điều kiện dạy - học tốt nhất được ưu tiên cho HS lớp 1, nhằm tạo "nền" cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục đại trà luôn ổn định với tỷ lệ tốt nghiệp THPT, điểm trung bình thi tuyển vào ĐH, CĐ hàng năm luôn đứng trong top đầu cả nước.
Xứng tầm với vị thế Thủ đô trong thời kỳ hội nhập, Hà Nội luôn tiên phong đổi mới phương pháp giáo dục, tạo đột phá về ứng dụng CNTT trong giảng dạy, học tập cùng với việc "phủ sóng" internet ở 100% trường học. Để giữ gìn, phát huy nét đẹp truyền thống của người Thủ đô, Hà Nội đã biên soạn, triển khai dạy bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho HS" ở các nhà trường từ 3 năm nay. Ngoài ra, HS còn được trang bị kiến thức về văn hóa, lịch sử qua tài liệu "Lịch sử Hà Nội" do Sở GD&ĐT biên soạn. Cho đến nay, Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất của cả nước biên soạn thành công và triển khai giảng dạy tài liệu về giáo dục nếp sống cho HS ở cả ba cấp học (Tiểu học, THCS và THPT). Cùng với nhiều biện pháp linh hoạt trong tổ chức sinh hoạt tập thể, ngoại khóa, hoạt động xã hội, cách thức này đã góp phần tích cực trong công tác giáo dục nhân cách HS, tạo nên sự bền vững về chất lượng trong giáo dục làm người.
Điều làm nên sự khác biệt lớn nhất của giáo dục Hà Nội hiện nay so với trước đây chính là chất lượng. Minh chứng là liên tục những năm gần đây, HS Thủ đô luôn dẫn đầu đoạt các giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Những cái tên như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Nghiêm Bá Trí, Phạm Mai Phương, Đặng Yến Lan, Trần Tiến Đạt và Đặng Anh Tú… luôn là niềm tự hào của các thế hệ HS Hà Nội.
Tất cả vì chất lượng thực chất
Vượt qua khó khăn, thách thức, giáo dục Hà Nội đã ghi những dấu ấn đáng tự hào trong chặng đường 60 năm, phát triển ngày càng lớn mạnh cả về chất và lượng. Ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định, để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy - học, xứng đáng vị thế "đầu tàu" về chất lượng giáo dục, ngành GD&ĐT Hà Nội luôn đề cao phương châm "Kỷ cương nghiêm - Chất lượng thực - Hiệu quả cao". "Ngành đặt ra mục tiêu "Tất cả vì chất lượng giáo dục thực chất", trong đó có mục tiêu xây dựng nhà trường 3 tốt "Quản lý tốt - Dạy tốt - Học tốt". Bên cạnh đó, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Đổi mới giáo dục có nhiều khâu, nhưng khâu đột phá nhất chính là xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Do đó, ngành đặc biệt chú trọng việc bồi dưỡng đổi mới phương pháp, tổ chức nhiều chuyên đề về đổi mới dạy học cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý" - ông Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.
Có thể nói, chuyển biến tích cực của ngành GD&ĐT Thủ đô những năm vừa qua đã diễn ra toàn diện, đều khắp ở các cấp học, các nhà trường. Trong mỗi công việc hàng ngày, trong các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều nhà giáo mẫu mực tiêu biểu, nhiều cán bộ quản lý giỏi. Đó chính là kết quả cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và phong trào "Giỏi việc trường - Đảm việc nhà - Cô giáo người mẹ hiền", là hướng phấn đấu để các thầy cô giáo nêu cao tài - đức, xây dựng phẩm cách người giáo viên Hà Nội. Chính sự tận tụy trách nhiệm, tình yêu nghề, những đóng góp thường ngày của mỗi nhà giáo cho từng giờ học tốt, cho mỗi bước trưởng thành của HS, trong việc xây dựng nhà trường, trong các hoạt động xã hội đã làm nên những thành tích của giáo dục Thủ đô.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn (phải) và Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ với các thí sinh dự thi Olympic Hóa học Quốc tế 2014. Ảnh: Hà Trang
|
Ngành GD&ĐT Thủ đô đã được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2009, 2014); 4 năm liền được nhận Bằng khen và Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD&ĐT và UBND TP Hà Nội; có 58 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú. |