Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều dự án nước sạch chậm triển khai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kế hoạch của Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và VSMT nông thôn, đến cuối năm 2015 sẽ có ít nhất 60% người dân sống ở khu vực nông thôn của TP Hà Nội được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, khả năng hoàn thành mục tiêu này hiện đang đứng trước thách thức lớn.

Khó hoàn thành mục tiêu cấp nước

Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội), tính đến hết tháng 9/2014, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch là 35,26%, tuy có tăng so với cùng kỳ năm 2013, nhưng còn cách khá xa mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia. Hiện nay, vẫn còn hơn 3,5% số trạm y tế xã tại các huyện, thị xã chưa có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh. Số hộ dân được tiếp cận với nước hợp vệ sinh cũng mới đạt 91,56% (mục tiêu đến cuối năm 2015 là 100%). Điều đáng nói, tỷ lệ tăng số dân được sử dụng nước sạch so với cùng thời điểm năm 2013 chủ yếu là kết quả thực hiện từ cuối năm 2013, và do các hộ dân… tự đầu tư! Điều đó đồng nghĩa, tỷ lệ này sẽ khó có thể gia tăng trong những tháng cuối năm 2014.

 
Cán bộ, nhân viên Trạm y tế xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai hiện vẫn phải dùng nước giếng khoan, nước mưa. 	Ảnh: Lâm Nguyễn
Cán bộ, nhân viên Trạm y tế xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai hiện vẫn phải dùng nước giếng khoan, nước mưa. Ảnh: Lâm Nguyễn
Việc hoàn thành các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và VSMT nông thôn được dự báo sẽ rất khó khăn do nguồn vốn thực hiện các dự án cấp nước nông thôn hiện rất hạn chế. Theo khảo sát, 6 dự án cấp nước sạch liên xã thí điểm tại các huyện Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh, Ứng Hòa, Phú Xuyên và Mỹ Đức vẫn đang phải chờ vốn, dù công tác kiểm đếm, xây dựng phương án GPMB… đã được hoàn tất từ khá lâu. Bên cạnh đó, 7 dự án thuộc Chương trình Nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ cũng chưa thể thực hiện. Cụ thể, 4 dự án cấp nước sạch tại các huyện Ba Vì, Thanh Oai, Phúc Thọ, Mỹ Đức đang trong giai đoạn lập và thẩm định thiết kế, 3 dự án khác tại các huyện Chương Mỹ, Mê Linh và Thường Tín vẫn đang được trình UBND TP xem xét.

Việc chậm được cấp vốn thực hiện khiến các dự án nêu trên đứng trước nguy cơ không thể hoàn thành trong năm 2015 như dự kiến. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống sinh hoạt của hàng chục ngàn hộ dân, cũng như mục tiêu chung của Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và VSMT nông thôn.

Đẩy mạnh việc xã hội hóa

Trước những khó khăn về nguồn vốn, công tác xã hội hóa đầu tư đang được các sở, ngành của TP quan tâm và xác định là hướng đi quan trọng nhằm tháo gỡ bài toán ngân sách hiện nay. Dù vậy, các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn chỉ mới được UBND TP phê duyệt vào tháng 8/2014. Việc triển khai thực hiện còn đang ở giai đoạn đầu, chưa tiếp cận, nắm bắt đầy đủ được những nội dung, yêu cầu cụ thể của chính sách nên số lượng các DN đăng ký tiếp nhận quản lý, vận hành, cũng như đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch nông thôn hiện chưa nhiều.   Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện để các DN tiếp cận và tham gia vào thị trường nước sạch nông thôn, các cơ quan quản lý Nhà nước, trực tiếp là Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn đã, đang tích cực thực hiện việc hỗ trợ pháp lý cho các tổ chức, DN. Trên cơ sở các chính sách đã ban hành, Trung tâm phối hợp với các sở, ngành và địa phương lựa chọn, đề xuất UBND TP giao cho các DN có đủ năng lực tiếp nhận, đầu tư, khôi phục và kinh doanh các trạm cấp nước không hoạt động hoặc đang xây dựng dở dang… Ông Lê Văn Dương - Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn cho rằng, bên cạnh việc đôn đốc các DN đẩy nhanh tiến độ đầu tư, rất mong TP quan tâm, bố trí ngân sách để các dự án thí điểm sớm được triển khai. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu nước sạch của người dân nông thôn, góp phần hoàn thành kế hoạch của Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và VSMT nông thôn TP Hà Nội đã đề ra.