Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều giải pháp cắt giảm chi phí, phát triển logistics

Ánh Ngọc - Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên thảo luận cấp cao trong khuôn khổ Diễn đàn logistics Việt Nam năm 2020 tổ chức ngày 26/11, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách đã chia sẻ về các giải pháp cắt giảm chi phí, phát triển logistics trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Đưa Hà Nội là trung tâm logistics của cả nước

Trao đổi về định hướng phát triển hệ thống logistics tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định: “Hà Nội đặc biệt quan tâm phát triển dịch vụ logistics để đáp ứng yêu cầu của gần 30 vạn DN đang hoạt động cũng như đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phát triển hệ thống trung tâm logistics, trong đó Hà Nội có trung tâm logistics Bắc Hà Nội tại Sóc Sơn, quy mô 50ha và trung tâm logistics Nam Hà Nội tại Thường Tín, quy mô 30ha. Tuy nhiên, Hà Nội cần giảm chi phí ở những chặng cuối nên sẽ phát triển thêm các trung tâm logistics quy mô nhỏ.

Thực hiện Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã định hướng triển khai 10 trung tâm logistics, trong đó, có 6 trung tâm đã có chủ trương đầu tư, 3 trung tâm đang nghiên cứu và 1 trung tâm tiếp tục kêu gọi đầu tư. Tại các hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức hàng năm, TP đã đưa các trung tâm logistics vào danh mục dự án để kêu gọi đầu tư.

“Hà Nội có gần 30 vạn DN đang hoạt động nên vấn đề dịch vụ logistics rất quan trọng. Bên cạnh việc phát triển các cảng cạn ICD, một lợi thế của Hà Nội là có nhiều dòng sông lớn, do vậy TP cũng sẽ nghiên cứu để phát triển mạnh hơn các cảng container đường thủy” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.

Chia sẻ về vấn đề làm sao để Hà Nội trở thành một trung tâm lớn trong bản đồ logistics của cả nước và khu vực, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, đây là một trong những nội dung trong chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Công Thương và TP Hà Nội tới đây sẽ triển khai.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đánh giá cao việc Hà Nội đã quan tâm quy hoạch, dành quỹ đất cho phát triển hạ tầng giao thông, kho bãi dịch vụ logistics; đồng thời, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng ngành dịch vụ logistics 4.0... Với những yếu tố đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tin tưởng chắc chắn Hà Nội sẽ là điểm nhấn, là hình mẫu trong việc đưa logistics là động lực và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Đề cập đến giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ đã thí điểm giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan bằng seal định vị điện tử. Từ khi sử dụng seal định vị điện tử để giám sát hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan, tất cả các lô hàng sử dụng seal định vị điện tử đều đảm bảo 100% hàng hóa được vận chuyển theo đúng tuyến đường, đúng thời gian người khai hải quan đăng ký với cơ quan hải quan…

“Ngành Tài chính tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hải quan nhằm cắt giảm chi phí, thời gian cho DN. Bộ cũng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, luôn đồng hành cùng DN bởi sự phát triển của DN là sự phát triển của nền kinh tế” - bà Vũ Thị Mai cam kết.

Lễ công bố Báo cáo logistics Việt Nam 2020.

Nhận thức rõ những vấn đề đang tồn tại trong tính kết nối hạ tầng giao thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, các địa phương hoàn thiện cơ sở hạ tầng và kết nối các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và đường hàng không.

Đồng thời, hướng dẫn, khuyến khích các DN tích cực triển khai vận chuyển đa phương thức và ứng dụng công nghê thông tin trong lĩnh vực vận tải nhằm giảm thiểu thời gian và chi phí logistics.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, giai đoạn 2021 - 2025, hạ tầng giao thông sẽ được tập trung đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế.yên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Phạm Minh Đức khuyến nghị, để Việt Nam là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu có sức chống chịu tốt, cần đồng thời nâng cao nội lực sản xuất và biến Việt Nam thành một trung tâm sản xuất toàn cầu.

Tận dụng chiến lược “Trung Quốc +1” của các công ty đa quốc gia để trở thành hạt nhân mới của chuỗi cung ứng khu vực. Quan trọng nhất là Việt Nam phải có môi trường đầu tư hấp dẫn, nội lực sản xuất mạnh và hiện đại hóa ngành logistics.