Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều giải pháp giúp nông dân làm giàu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phong trào nông dân (ND) thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững và làm giàu luôn được Hội ND TP Hà Nội coi là nhiệm vụ trọng tâm.

Nhiều kinh nghiệm hay, nhiều cách làm sáng tạo được vận dụng, đã và đang giúp hội viên ND nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Những cách làm hiệu quả

Là huyện tiên phong trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống của bà con ND huyện Phú Xuyên đã bớt nhiều vất vả. Ông Đào Đức Gương - Chủ tịch Hội ND huyện Phú Xuyên cho biết, đến nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn đã đưa máy cấy vào sản xuất. Huyện đã xây dựng được 186 mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng măng tây, chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi lợn, nuôi trồng thủy sản... Nêu cao tinh thần cán bộ và hội viên đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, Hội ND huyện luôn ưu tiên huy động xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ ND với mục tiêu: Hàng năm, mỗi cơ sở Hội phát triển nguồn quỹ từ 15 - 20 triệu đồng, Quỹ hỗ trợ ND của huyện Hội từ 200 - 250 triệu đồng. Nhờ đó, từ tháng 10/2013 đến nay, Quỹ hỗ trợ ND của Hội đã tăng thêm 109 triệu đồng.
 
Lãnh đạo Hội Nông dân TP thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở xã Bình Yên, huyện Thạch Thất.
Lãnh đạo Hội Nông dân TP thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở xã Bình Yên, huyện Thạch Thất.

Hội ND huyện Sóc Sơn lại chú trọng việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản địa phương. Đến nay, Hội đã xây dựng thành công nhãn hiệu rau hữu cơ Sóc Sơn (do Hội ND huyện làm chủ sở hữu) và đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành bảo hộ nhãn hiệu cho 2 sản phẩm Bưởi và Chè sạch Sóc Sơn trong năm 2014. Ông Hoàng Chí Dũng - Chủ tịch Hội ND huyện Sóc Sơn cho biết: Nhờ sớm hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nên giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt 109 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người/năm.

Phát huy vai trò “bà đỡ”

Để giúp ND phát triển sản xuất, 6 tháng đầu năm, các cấp Hội ND TP đã phối hợp, tổ chức được 1.306 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật cho 96.934 lượt cán bộ, hội viên ND về kỹ thuật trồng và bảo quản rau an toàn, kỹ thuật sử dụng phân bón hiệu quả, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm... Đồng thời, phối hợp tổ chức các buổi hội thảo cho hàng ngàn lượt cán bộ, hội viên ND về hoạt động khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn…

Nhằm tạo động lực và khuyến khích ND xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả, từ đầu năm đến nay, Hội ND đã phối hợp với Ngân hàng NN&PTNN, Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ hội viên vay vốn phát triển sản xuất với tổng số dư nợ Ngân hàng NN&PTNN gần 597 tỷ đồng cho 16.259 hộ vay; Ngân hàng Chính sách xã hội là hơn 1.231 tỷ đồng cho 73.738 hộ vay. Để phong trào ND sản xuất, kinh doanh giỏi lan tỏa mạnh hơn nữa, ông Trịnh Thế Khiết - Chủ tịch Hội ND TP Hà Nội khẳng định: "Trong thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục bám sát thực tiễn xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, Hội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hướng dân, dạy nghề cho ND thông qua Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND. Cùng với đó, các cấp Hội phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên để có những đề xuất, giải pháp kịp thời hỗ trợ".

 
Trong 6 tháng đầu năm, Hội ND TP đã phát động phong trào ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi với 412.062 hộ đăng ký tham gia ở 4 cấp, trong đó, cấp T.Ư là 904 hộ, cấp TP: 6.587 hộ, cấp huyện, quận, thị xã: 132.525 hộ; cấp cơ sở: 412.062 hộ.