Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều giải pháp mới giảm được ô nhiễm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thắng VănTình trạng ô nhiễm trên hệ thống thủy lợi Đan Hoài đang gây ảnh hưởng lớn cho sản xuất nông nghiệp tại các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm.

Theo nhiều ý kiến, để giảm thiểu ô nhiễm, cùng với việc đầu tư triển khai dự án nhà máy xử lý nước thải, các huyện cần tập trung làm tốt công tác thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn.
 
Ruộng hoang hóa vì ô nhiễm Trạm bơm Đào Nguyên, xã An Thượng, huyện Hoài Đức có nhiệm vụ bơm nước trực tiếp từ hệ thống kênh dẫn ra sông Đáy, tạo nguồn cho một số trạm bơm khu vực Chương Mỹ, Hà Đông.
 
Tuy nhiên, nhiều năm nay, nguồn nước trên các hệ thống kênh dẫn tới trạm bơm bị ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi khó chịu. Anh Nguyễn Thế Hoạt, công nhân trạm bơm Đào Nguyên cho biết: “Năm nay, lượng rác thải trên kênh nhiều hơn những năm trước nên chúng tôi phải thường xuyên thay nhau đi vớt rác”.
 
Nhiều giải pháp mới giảm được ô nhiễm - Ảnh 1

Nước tại trạm bơm Đan Hoài bị ô nhiễm nặng.  Ảnh: Văn Thắng
 
Tại các xã Tân Lập, Tân Hội, huyện Đan Phượng, nhiều diện tích vùng trũng luôn bị ứ đọng nước thải đen sì, không có loại cây trồng nào sinh trưởng được. Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, toàn bộ 4.000ha đất nông nghiệp của huyện đều được tưới, tiêu thông qua hệ thống Đan Hoài.
 
Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng trong khi việc tiêu thoát nước thải gặp khó khăn do nhiều ao, hồ bị san lấp và một số hạng mục công trình tiêu nước bị xuống cấp.
 
Đáng lo ngại, năm 2012, toàn huyện Đan Phượng có khoảng 40ha ruộng không thể sản xuất được do ô nhiễm.
 
Hệ thống thủy lợi Đan Hoài có nhiệm vụ tưới, tiêu cho 7.076ha của các huyện Đan Phượng (3.230ha), Hoài Đức (3.726ha), Từ Liêm (128ha). Theo Hội Cơ học Hà Nội, cùng với sự xuống cấp của các trạm bơm, trong phạm vi hệ thống Đan Hoài có hai kênh tiêu chính là T1 và T2 tiêu nước ra sông Nhuệ hiện cũng đang bị bồi lấp nghiêm trọng, gây ô nhiễm nặng cho các vùng ven sông...
 
Kết hợp nhiều giải phápĐể khắc phục tình hình ô nhiễm trên, UBND TP Hà Nội đã triển khai nhiều dự án cải thiện nước và môi trường của sông Nhuệ như xây dựng các nhà máy xử lý nước thải trước khi xả xuống sông Nhuệ; nạo vét, cải tạo nâng cấp trục chính sông Nhuệ; xây dựng mới trạm bơm tưới, tiêu Liên Mạc, để đưa nước sông Hồng vào sông Nhuệ...
 
Tuy nhiên, những dự án này có quy mô lớn, vốn đầu tư nhiều, thời gian thi công kéo dài nên không thể đầu tư cùng một lúc. Mặt khác, do địa hình của hệ thống Đan Hoài khá cao so với lòng sông Nhuệ, nên khi trạm bơm Liên Mạc hoàn thành, các kênh tiêu T1 và T2 vẫn không có nguồn nước chảy nếu không vận hành các trạm bơm Đan Hoài và Bá Giang.
 
Để giải quyết tình thế cấp bách, theo Ths Đào Văn Thìn, Hội Cơ học Hà Nội, cần  tận dụng các công trình cũ như trạm bơm Bá Giang, Đan Hoài, Hồng Vân để cung cấp nước cho các kênh tiêu và sông Nhuệ vào mùa cạn.
 
Sau khi trạm bơm Đan Hoài xây dựng xong và đưa vào vận hành, TP cần tiếp tục đầu tư thay máy bơm, nâng công suất của trạm bơm dã chiến Bá Giang. Như vậy, ngoài nhiệm vụ phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, hai trạm bơm Đan Hoài và Bá Giang sẽ luôn chủ động tạo dòng chảy cho các kênh tiêu.
 
Ngoài ra, tận dụng thời gian không tưới, vận hành các trạm bơm tưới hiện có để xả vào các kênh tiêu về mùa kiệt để giảm ô nhiễm nguồn nước.Bên cạnh đó, một biện pháp quan trọng khác là xử lý tốt lượng rác thải tại chỗ.
 
Theo ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi Đan Hoài, các huyện cần quy hoạch khu xử lý chất thải và ngăn chặn tình trạng đổ phế thải ra hệ thống kênh tiêu, nhất là tại các làng nghề và khu đông dân cư. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới, thu gom rác thải chăn nuôi và trồng trọt...

 
Nếu không giải quyết được tình trạng ô nhiễm trên hệ thống thủy lợi Đan Hoài thì không chỉ các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm hứng chịu mà dòng nước thải còn xuống tới Hà Đông, Chương Mỹ, thậm chí theo sông Nhuệ chảy sang tận Hà Nam.Ông Nguyễn Khánh Hưng Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Đan Hoài