Kinhtedothi - Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS thành phố Hà Nội Lê Nhân Tuấn cho biết, đến nay tổng số người nhiễm HIV đã được phát hiện trên địa bàn thành phố là gần 24.600 người.
Trong đó, số người nhiễm HIV đang còn sống là gần 20.800, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là 5.270 và có trên 3.800 người đã tử vong.
Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trên 100 nghìn dân của Hà Nội là 2885 người; 29/29 (100%) quận/huyện và 536/577 (92,8%) xã/phường trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện có người nhiễm HIV.
Các trường hợp nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi từ 25 - 49 tuổi, chiếm 78,18% và từ 15 đến dưới 25 tuổi chiếm 17,46%. Nam giới chiếm 81,36% trong số các trường hợp nhiễm HIV đã được phát hiện.
Số người nhiễm HIV đã được phát hiện tại Hà Nội chủ yếu ở nhóm nghiện chích ma túy (67,37%), nhóm quan hệ tình dục (11,04%), phụ nữ mại dâm (1,63%), bệnh nhân hoa liễu (1,41%), bệnh nhân lao (8,35%)....
Quận Đống Đa là địa bàn đứng đầu số người nhiễm HIV còn sống nhiều nhất với 2.382 người, trong số này có 61 ca nhiễm mới, tiếp đến là quận Hai Bà Trưng có 2.001 người, với 53 ca nhiễm mới. Thạch Thất là huyện có số người nhiễm ít nhất với 80 trường hợp, trong khi đó Mê Linh là huyện có số người nhiễm HIV mới được phát hiện ít nhất với 4 trường hợp từ đầu năm đến nay.
Hiện, tất cả các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã triển khai chương trình can thiệp bao cao su và bơm, kim tiêm. Trong 9 tháng, các chương trình đã phát miễn phí trên 2,4 triệu bơm kim tiêm cho 10.000 người nghiện chích ma túy, số bao cao su được phát miễn phí cho các đối tượng nguy cơ cao là 587.796 chiếc.
Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai lấy mẫu chương trình giám sát trọng điểm cho các nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ mang thai, nam giới mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, công nhân cầu đường di động và thanh niên khám nghĩa vụ quân sự.
Tính đến hết 9/2013, đã tiến hành xét nghiệm 69.683 mẫu, phát hiện 4.015 mẫu, số mẫu khẳng định HIV dương tính là 1.782 mẫu.
Hiện trên địa bàn thành phố có 20 phòng tư vấn xét nghiệm, đã tiến hành tư vấn HIV cho 21.542 lượt khách hàng, trong đó phần lớn là khách hàng đồng ý làm xét nghiệm tự nguyện, phát hiện 818 HIV dương tính.
Thành phố vẫn đang duy trì 6 điểm điều trị Methadone tại 6 quận, huyện, thị xã (Từ Liêm, Long Biên, Hà Đông, Sơn Tây, Hai Bà Trưng, Đống Đa) với tổng số 1.494 bệnh nhân đang điều trị (đạt 96,6% kế hoạch năm 2013). Trong quá trình điều trị không có bệnh nhân bỏ liều, quá liều và gặp tác dụng phụ do thuốc.
Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được duy trì thường xuyên với 29 cơ sở, số phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV là 80.230 người; 60.124 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV tự nguyện, trong đó có 74 phụ nữ mang thai nhiễm HIV, 65 phụ nữ nhiễm HIV đã sinh con được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Chủ đề Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm 2013 được Chương trình phối hợp của LHQ về HIV/AIDS (UNAIDS) chính thức chọn cho các Chiến dịch Phòng, chống AIDS toàn cầu 2011-2015 là “Hướng tới mục tiêu ba không: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”.
Theo đó, từ chủ đề chung của Chiến dịch này, các quốc gia tùy theo thực tế công tác phòng, chống HIV/AIDS lựa chọn để thực hiện muc tiêu ba không. Chủ đề “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV” được Việt Nam chính thức chọn cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2013 nhằm tiếp tục kiểm soát sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Đây cũng là một trong những mục tiêu ưu tiên của Chiến lược Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020-2030.
Để hưởng ứng hoạt động nói trên, từ ngày 10/11/2013 - 10/12/2013, Hà Nội sẽ tập trung tổ chức các hội nghị, hội thảo với lãnh đạo các cấp về tăng cường các can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV cho những người có hành vi nguy cơ cao.
Gặp mặt, sinh hoạt câu lạc bộ với những người dễ bị cảm nhiễm với HIV, tuyên truyền vận động họ thực hiện các hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.
Tổ chức các hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình có hiệu quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là trong can thiệp và giảm tác hại cho đồng bào dân tộc thiểu số và phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư”.
Tổ chức tập huấn kết hợp giao ban Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS của 29/29 quận, huyện, thị xã; tiếp tục đến những người dễ tổn thương, người dân sống ở cùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...