Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều khó khăn trong cứu hộ động vật hoang dã

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội là đơn vị duy nhất trên toàn quốc có chức năng cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản ĐVHD, nhưng hiện tại, Trung tâm đang gặp không ít khó khăn làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác chuyên môn.

Thiếu bác sĩ, hạn chế cơ sở vật chất

Khó khăn lớn nhất của Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội hiện nay là số ĐVHD đang được cứu hộ, bảo tồn tại đây thường xuyên quá tải so với cơ sở vật chất hiện có của đơn vị. Với quy mô chuồng trại chỉ chưa đến 1ha nên không thể đáp ứng các điều kiện nuôi nhốt, chăm sóc thường xuyên với một số lượng cá thể ĐVHD quá lớn.

Những năm gần đây, Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội chủ yếu chỉ tiếp nhận động vật từ các vụ xử lý vi phạm về buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp của các cơ quan chức năng từ khu vực miền Trung trở ra. Tuy nhiên, ĐVHD đưa đến Trung tâm phần lớn bị tổn thương, stress do nuôi nhốt, vận chuyển dài ngày nên công tác cứu hộ, chăm sóc rất gian nan.

 Nhiều cá thể chim cảnh được Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội cứu hộ, chăm sóc. Ảnh: Ngọc Ánh

Trong khi đó, quy trình chăm sóc ĐVHD cũng gặp không ít hạn chế. Đơn cử, chuồng chật hẹp thì việc nuôi dưỡng, chăm sóc ĐVHD theo hướng chuyên môn hóa chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đáng nói, việc chăm sóc, điều trị vết thương cho các cá thể ĐVHD rất vất vả trong điều kiện tác động, thay đổi của môi trường sống, khí hậu.

“Điều trăn trở nhất của chúng tôi là do điều kiện chăm sóc hạn chế mà bất đắc dĩ phải từ chối không ít lần với các tổ chức, cá nhân liên hệ tiếp nhận. Đơn cử như, đợt tháng 4/2021, Công an tỉnh Bắc Giang đề xuất Trung tâm tiếp nhận 130 cá thể Cầy nhưng đơn vị buộc lòng từ chối vì điều kiện về nhân lực và chuồng trại không thể đảm bảo” - Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng chia sẻ.

Đáng nói, Trung tâm chỉ có 1 bác sĩ thú y duy nhất. Mặc dù, 100% các công nhân ở đơn vị đều có bằng Trung cấp Chăn nuôi - Thú y, nhưng để đáp ứng yêu cầu công việc chuyên môn về thăm khám, chữa trị bệnh cho các cá thể ĐVHD, Trung tâm cần có đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm. Tuy nhiên, theo ông Lương Xuân Hồng việc tuyển dụng biên chế bác sĩ thú y nhiều năm nay rất khó khăn do không mấy người mặn mà ứng tuyển.

Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ động vật hoang dã

Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dự định tái thả chim Hồng Hoàng của Trung tâm Cứu hộ ĐVHD đã phải hoãn lại. Theo kế hoạch, Trung tâm phối hợp với Tổ chức động vật châu Á thực hiện tái thả chim Hồng Hoàng về môi trường tự nhiên theo tiêu chuẩn cao nhất về tái thả ĐVHD.

Cụ thể, dựng chuồng tạm trong rừng và mang chim Hồng Hoàng thả trong đó. Cùng với gắn chip để theo dõi, chim sẽ được tiếp cận với các cá thể chim tự nhiên qua màng lưới, qua thời gian theo dõi sẽ mở lưới và cửa chuồng để chúng bay ra - vào tự nhiên kiếm ăn. Đây là chương trình tái thả tiêu chuẩn cao mà tại Việt Nam chưa tổ chức, đơn vị nào thực hiện.

Giám đốc Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng tái thả cá thể Rùa đầu to về thiên nhiên. Ảnh: Hoàng Hà

Từ thực tế công tác tiếp nhận ĐVHD, ông Lương Xuân Hồng bày tỏ lo ngại, trong những năm gần hoạt động buôn bán ĐVHD ngày càng đa dạng, tinh vi hơn, gia tăng số vụ, số chủng loại động vật. Đặc biệt, các vụ việc buôn bán ĐVHD thường xuyên xảy ra đối với loài chim và có xu hướng gia tăng, đặc biệt các loài chim cảnh có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài.

Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp ĐVHD. Mặt khác cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân từ bỏ thói quen sử dụng trái phép ĐVHD; đấu tranh xóa bỏ lối sống khoe khoang sự giàu sang qua việc sử dụng sản phẩm cấm như: Ngà voi, nanh hổ… hay sử dụng sản phẩm từ ĐVHD quý, hiếm vì quan điểm nó có công dụng như "thần dược" đối với sức khỏe.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, thời gian qua, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật để bảo vệ ĐVHD, nhưng công tác này chưa thực sự hiệu quả do các quy định về công tác quản lý, bảo vệ ĐVHD còn có sự chồng chéo, chưa rõ ràng, thống nhất, nhiều vấn đề thực tiễn phát sinh nhưng luật chưa theo kịp để điều chỉnh. Bởi vậy, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về ĐVHD là hết sức cần thiết.