Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều khoảng trống trong dự luật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 27/11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Đầu tư công và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Theo các đại biểu (ĐB) Quốc hội, cả hai dự án Luật vẫn còn nhiều khoảng trống trong các quy định.

Đưa doanh nghiệp Nhà nước vào phạm vi luật

Thảo luận về Dự án Luật Đầu tư công, khá nhiều quan điểm đồng tình với khái niệm đầu tư công mở rộng hơn. Đó là, không nên sử dụng thuật ngữ "đầu tư công" trong văn bản luật, thay vào đó, sử dụng cụm từ "đầu tư vốn Nhà nước" gắn với từng mục đích cụ thể.

Cụ thể, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) chỉ ra, nếu xét theo nguồn vốn đầu tư thì bất kỳ khoản đầu tư nào, đầu tư vào đâu với mục đích gì đều là đầu tư công nếu nguồn vốn đầu tư là của Nhà nước, tức là của chung, không của riêng cá nhân hoặc pháp nhân nào. Song, nếu xét theo mục đích đầu tư thì đầu tư công lại được hiểu là chỉ bao gồm đầu tư vào những chương trình, dự án phục vụ cộng đồng, không có mục đích thu lợi nhuận. Do đó, theo ĐB nên bổ sung việc đầu tư vốn Nhà nước cho các hoạt động kinh doanh dưới hình thức cấp vốn, cho vay, bảo lãnh khoản vay cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vào phạm vi Luật Đầu tư công, đảm bảo hiệu quả cao hơn, khắc phục những tồn tại hiện nay trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước.

 
Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến.
Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến.

 Cho rằng, lĩnh vực đầu tư công hiện nay là mảnh đất cho tham nhũng, lãng phí. Rất nhiều dự án đầu tư công vượt trần, lãng phí lớn nhưng không có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm. ĐB Huỳnh Văn Tính (đoàn Tiền Giang) kiến nghị luật cần quy định rõ chế tài khi có hành vi vi phạm trong đầu tư công. Theo đó, quy định rõ người quyết định chủ trương, người đứng đầu mà đầu tư sai, gây lãng phí, thất thoát thì phải chịu trách nhiệm, có thể bị miễn nhiệm chức vụ.ĐB Lê Công Định (đoàn Long An) đề nghị quy định về giám sát cộng đồng cần cụ thể hơn. Hiện nay, quy định vai trò giám sát của người dân nhưng không rõ ý kiến của người dân được lắng nghe, tiếp thu ra sao. Ví như, người dân có ý kiến như thế nào thì phải dừng dự án, cơ quan dân cử phải tham gia từ khâu đầu tiên lập dự án cho đến khâu triển khai, theo dõi đánh giá giám sát... Nhưng dự thảo quy định còn chung chung nên không thể áp dụng được vì không biết chủ thể giám sát cộng đồng là ai.

Chưa rõ địa chỉ trách nhiệm

Đối với Dự án Luật Giao thông đường thủy nội địa, nhiều ĐB cho rằng, còn rất nhiều vấn đề cần thảo luận kỹ hơn. Theo ĐB Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội), Dự thảo Luật sửa đổi lần này chưa khắc phục được sự quản lý chồng chéo, phân cấp chưa rõ ràng hợp lý. Điển hình là vụ tai nạn chìm ca nô gây chết người ở Cần Giờ (đoàn TP Hồ Chí Minh) rất khó quy trách nhiệm cụ thể. Do đó, trong Luật cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, theo ngành và UBND các cấp.

Cảm thấy rất bất an với tình trạng các phương tiện vận tải đường thủy thường chở vượt quá nhiều lần số người theo quy định, ĐB Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, xảy ra khá nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng trên đường thủy nội địa có nguyên nhân từ phía người tham gia giao thông, từ chủ phương tiện, nhưng cũng không ít từ sự yếu kém trong công tác quản lý phương tiện giao thông thủy nội địa. ĐB đề nghị xem xét lại quy định theo hướng không mở rộng diện phương tiện được miễn đăng ký, bởi việc quản lý chặt chẽ các phương tiện sẽ đảm bảo an toàn tốt hơn cho người tham gia giao thông.

ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) đề nghị quan tâm thêm về hành lang an toàn giao thông đường thủy nội địa, Chính phủ cần tổ chức quản lý tốt cũng như chỉ đạo để các ngành phối hợp chặt chẽ với nhau trong quản lý và khai thác, đặc biệt là tăng đầu tư cho giao thông thủy nội địa bao gồm từ quản lý quy hoạch đến quản lý vận tải cũng như các kết cấu hạ tầng như bến cảng, bến thủy nội địa, kè, đập... cùng các công trình phụ trợ khác. "Chỉ có như vậy, chúng ta mới sử dụng được một cách có hiệu quả toàn bộ tiềm năng của khoảng 81.000 km đường sông, rạch trên đất nước ta, hạn chế áp lực giao thông vận tải đường bộ, góp phần không nhỏ vào sự phát triển bền vững của kinh tế trong nước" - ĐB Bùi Thị An nhấn mạnh.