Chủ đề giám sát này là vấn đề được nhiều người quan tâm, bởi đây là loại án người dân kiện chính quyền và người đứng đầu chính quyền. Theo kết quả giám sát, trong 3 năm 2015 - 2017, cả nước có 11.180 quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND bị khiếu kiện đến tòa án, chiếm gần 10% trên tổng số khiếu nại hành chính. Qua xét xử, tổng số quyết định hành chính, hành vi hành chính bị tòa án tuyên hủy toàn bộ hoặc một phần là 1.194.Đáng lưu ý, liên quan đến việc Chủ tịch UBND và người đại diện của UBND tham gia phiên tòa, dự thảo báo cáo giám sát cũng chỉ ra, có những địa phương, số lượng án hành chính lớn nhưng Chủ tịch và người đại diện UBND vẫn bố trí tham gia tố tụng nghiêm túc. Ngược lại, có nơi lượng án rất ít nhưng chủ tịch và người đại diện thường xuyên xin vắng, thậm chí có tỉnh vắng 100% số vụ. Có những địa phương, sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của tòa án, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch được ủy quyền có văn bản gửi tòa án được đề nghị vắng mặt trong tất cả các hoạt động tố tụng mà tòa án triệu tập. “Lẽ ra phải là những người gương mẫu nhất thì nhiều Chủ tịch tỉnh, UBND tỉnh lại chây ì trong thi hành án” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh.Đoàn giám sát cũng nhấn mạnh, việc tồn đọng án hành chính chưa thi hành là một hạn chế lớn và đã tồn tại qua nhiều năm, cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương còn chưa nghiêm. Đoàn giám sát đề nghị cần làm rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan, đồng thời cần tiếp tục có biện pháp đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực thi hành các bản án, quyết định hành chính của toà án đã có hiệu lực pháp luậtThảo luận về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thời gian tới dự báo tình hình khiếu kiện hành chính sẽ tiếp tục gia tăng, nhất là ở các địa phương có tốc độ phát triển mạnh, thị trường bất động sản sôi động. Vì vậy, ngoài các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, tăng cường đối thoại, tuyên truyền giải thích chính sách nhằm giảm thiểu các khiếu kiện hành chính phát sinh, Chính phủ cũng tập trung để nâng cao chất lượng chấp hành pháp luật tố tụng hành chính. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo, quán triệt việc chấp hành nghiêm túc pháp luật về tố tụng hành chính và thực hiện án hành chính đến Chủ tịch UBND, UBND các cấp; đề cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc tham gia đối thoại, trực tiếp tham dự các phiên tòa xét xử của tòa án đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính…