Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều lỗ hổng từ khâu quản lý

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp những thông tin về tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo trong thời gian qua được phản ánh bất chấp các đợt thanh tra thường xuyên từ cơ quan quản lý và sự khó chịu từ khách hàng. Lãnh đạo Bộ TT&TT thừa nhận nguyên nhân là do còn lỗ hổng trong quản lý.

Đề xuất tách bạch tài khoản

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, tin nhắn rác đang gây bức xúc lớn cho xã hội. Thời gian qua, nhiều trường hợp mạo danh VNPT, Viettel để lừa đảo và Công an đã phải vào cuộc xử lý. Tính riêng trong dịp Tết Giáp Ngọ, các cơ quan quản lý đã phát hiện được hơn 4,2 triệu tin nhắn rác, xử phạt 11.250 thuê bao do phát tán tin nhắn rác, đồng thời  xử lý 25 doanh nghiệp phát tán tin nhắn rác, nhưng lượng tin nhắn rác vẫn còn rất lớn. Kết quả chương trình khảo sát do Bkav thực hiện năm 2013 cũng khẳng định, gần 70% người dùng tham gia khảo sát của Bkav thường xuyên bị làm phiền bởi tin nhắn rác. Để xảy ra tình trạng này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho rằng, khâu quản lý vẫn còn lỗ hổng, các biện pháp xử lý mà Bộ đã triển khai thời gian qua chưa đủ mạnh, dẫn đến số lượng tin nhắn rác lưu hành vẫn còn rất lớn.
 Việc mua sim và sở hữu một thuê bao điện thoại vẫn rất dễ dàng.      Ảnh: Trần Tuấn
Việc mua sim và sở hữu một thuê bao điện thoại vẫn rất dễ dàng. Ảnh: Trần Tuấn
Mới đây, Thanh tra Bộ TT&TT đã đề xuất cần tách bạch hai tài khoản nghe - gọi, nhắn tin với giải trí - thông tin trên điện thoại di động (ĐTDĐ). Theo đó, cần có quy định tài khoản chính của ĐTDĐ chỉ được dùng để thực hiện các cuộc gọi và tin nhắn thông thường. Sẽ có một tài khoản thứ hai dành riêng cho việc sử dụng các dịch vụ nhắn tin giải trí và nhà mạng, nhà cung cấp nội dung (CSP) phải phát hành loại thẻ riêng để nạp tiền cho tài khoản này. Trong đó, tiền từ tài khoản 2 có thể chuyển sang tài khoản 1 nhưng không được phép giao dịch theo chiều ngược lại. Thanh tra Bộ TT&TT cho rằng, bên cạnh việc tách bạch hai tài khoản nghe gọi - nhắn tin với giải trí - thông tin, Bộ TT&TT cũng cần sớm đảm nhận việc cấp phát đầu số để chấm dứt tình trạng đầu số thiếu quy hoạch, khó quản lý và bị nhiều CSP lách luật như hiện nay. Các CSP cố tình phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo hoặc cung cấp các phần mềm có tính năng tự động trừ tiền trong tài khoản người dùng cũng cần phải bị xử lý nghiêm.

Khó kiểm soát tin nhắn từ các thuê bao cá nhân?

Trước đề xuất của Thanh tra Bộ TT&TT, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã liên hệ với một số nhà mạng nhưng đều chưa nhận được phản hồi cụ thể. Tuy nhiên, trước đó, các nhà mạng Mobifone, Vinaphone, Viettel cho biết đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay với các đầu số phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo. Với các CSP sở hữu các đầu số (1900, 8x…) ký hợp đồng với nhà mạng, ông Nguyễn Sơn Hải - Phó Trưởng phòng kinh doanh Vinaphone khẳng định, đều có kiểm soát trước và sau đối với các dịch vụ. "VinaPhone thường xuyên kiểm tra các đơn vị này, và đã cắt hợp đồng hoặc xử phạt các CSP phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo" - ông Hải nhấn mạnh. 

Tương tự, đại diện Mobifone và Viettel đều cam kết "không vì lợi nhuận từ tin nhắn rác mà làm ảnh hưởng tới khách hàng", sẵn sàng cắt hợp đồng đối với các đối tác vi phạm, nhiều lần phát tán tin nhắn rác. Nhờ đó, đã có thời điểm, tình trạng phát tán tin nhắn rác giảm đáng kể. Tuy nhiên dịp gần đây, tin nhắn rác lại "sinh sôi" trở lại chủ yếu được phát tán từ các số thuê bao cá nhân. Theo ông Nguyễn Sơn Hải, việc ngăn chặn tin nhắn rác từ các thuê bao này khó khăn hơn các CSP, vì kẻ phát tán tin nhắn rác chỉ cần mua sim lắp vào điện thoại là có thể gửi tin nhắn khắp nơi. 

Cách giải thích này xem ra chưa hợp lý, vì nếu nhà mạng thực sự "vào cuộc" chặn đứng tin nhắn rác, không buông lỏng quản lý sim điện thoại, không khuyến mại rầm rộ để tăng số lượng thuê bao thì việc ngăn chặn tin nhắn rác từ các thuê bao cá nhân cũng không phải là khó!