Nhiều lợi ích cho dân, dù khó cũng gắng làm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến nay, toàn Thành phố (TP) có 29/30 quận, huyện, thị xã đã trực tiếp thực hiện liên thông thủ tục hành chính (TTHC) trong đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, trong đó 2 đơn vị đạt kết quả cao nhất là quận Long Biên (giảm thời gian giải quyết còn 10 ngày) và quận Nam Từ Liêm (còn 7 ngày).

Kinhtedothi - Đến nay, toàn Thành phố (TP) có 29/30 quận, huyện, thị xã đã trực tiếp thực hiện liên thông thủ tục hành chính (TTHC) trong đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, trong đó 2 đơn vị đạt kết quả cao nhất là quận Long Biên (giảm thời gian giải quyết còn 10 ngày) và quận Nam Từ Liêm (còn 7 ngày).
Đó là kết quả nổi bật sau 1 tháng triển khai thực hiện liên thông TTHC này trên địa bàn Hà Nội, được ghi nhận trong buổi làm việc của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cùng đoàn công tác liên ngành của TP tại UBND quận Nam Từ Liêm hôm nay (30/7).

 
Giải quyết TTHC liên thông cho trẻ dưới 6 tuổi tại bộ phận “một cửa” phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm).
Giải quyết TTHC liên thông cho trẻ dưới 6 tuổi tại bộ phận “một cửa” phường Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm).
Thực hiện Kế hoạch 36 ngày 26/1/2015 của UBND TP về triển khai thực hiện “Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính (TTHC): Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn TP Hà Nội”, từ 1/7/2015 đến 29/7/2015, UBND quận Nam Từ Liêm đã thực hiện được 226 trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em dưới 6 tuổi theo liên thông, trong đó: Liên thông 3 trong 1 chiếm 61% và liên thông 2 trong 1 (Khai sinh - BHYT) chiếm 39%. Đến nay đã giải quyết liên thông 3 trong 1 được 80% (còn 28 hồ sơ chưa đến hẹn trả) và giải quyết liên thông 2 trong 1 được 100%. Bên cạnh đó, thực hiện 21 hồ sơ liên thông đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú và 23 hồ sơ xin cấp lại bản chính GKS.

Mới triển khai, song việc thực hiện liên thông TTHC cho công dân trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đã bước đầu thu được kết quả tốt, được Nhân dân đánh giá cao. Đối với việc liên thông 3 trong 1: Thay vì người dân phải 6 lần đi lại (2 lần đến UBND phường, 2 lần đến cơ quan BHXH quận và 2 lần đến Công an quận) với tổng số 27 ngày chờ đợi, thì nay chỉ cần 2 lần đến UBND phường và 5-7 ngày đã nhận được 3 kết quả gồm GKS, thẻ BHYT và đăng ký HKTT. Với liên thông 2 trong 1: Thay vì Nhân dân phải đi giải quyết TTHC ở phường và ở Công an quận thì nay chỉ đến UBND phường và nhận được 2 kết quả gồm giấy chứng tử và xóa đăng ký thường trú. Đối với liên thông cấp lại bản chính GKS: Thay vì Nhân dân phải lên bộ phận “một cửa” của quận, nay chỉ việc ra bộ phận “một cửa” của phường để nộp hồ sơ và nhận kết quả.

Sơ bộ đánh giá kết quả thực hiện liên thông TTHC này trên địa bàn TP, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Tống Thanh Nam cho biết: Đến thời điểm này, chỉ còn huyện Đan Phượng vẫn chưa vào cuộc với lý do “còn chờ hướng dẫn của TP”. Toàn TP có 15/30 quận, huyện, th
ị xã đã ban hành quy chế, quy trình, hướng dẫn cụ thể, còn 14 đơn vị chưa xác định được phương án triển khai, với một lý do chủ yếu là chưa có sự vào cuộc của cơ quan công an. Theo ước tính ban đầu, thực hiện liên thông TTHC này, toàn TP tiếp nhận 938 hồ sơ trong 1 tháng qua, từ đó tổng chi phí tiết kiệm được là hơn 262 triệu đồng. Về kết quả này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ngô Anh Tuấn đề nghị, Sở Tư pháp với vai trò cơ quan thường trực cần đề xuất Ban Thi đua Khen thưởng TP tiến hành khen thưởng ngay những đơn vị quận, huyện làm sớm và làm tốt công tác liên thông TTHC này, trong đó có quận Nam Từ Liêm, để kịp thời nhân rộng.

Theo Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Tứ, qua một thời gian triển khai trên địa bàn, có một thực tế là để giải quyết bài toán liên thông TTHC 3 trong 1, cán bộ phường đang “thụ hưởng” và phải thực hiện đồng thời 3 phần mềm chuyên ngành (một cửa, hộ tịch và BHXH) để giải quyết hồ sơ. Trong khi đó, cán bộ phường mỏng, các đơn vị đều “có lý do riêng” mà không “mở cửa” kết nối liên thông giữa các cơ quan nhà nước trong việc trao đổi dữ liệu, bớt thời gian giải quyết TTHC. “Thực tế là giảm được thời gian, thủ tục cho người dân nhưng lại thêm thời gian, công việc cho cán bộ. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn xác định, cái gì mang lại lợi ích cho dân, được người dân ủng hộ thì không khó khăn gì là không vượt qua được”, ông Tứ khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn đã biểu dương quận Nam Từ Liêm gương mẫu đi đầu trong thực hiện triển khai Thông tư 05 ngay từ khi có hiệu lực. “Nhiều quận huyện nên học tập Nam Từ Liêm, rất chủ động giải quyết vướng mắc không chờ hướng dẫn của TP, với nghiệp vụ cao. Đề nghị quận tiếp tục xác định quan điểm: “Không có gì không làm được, và những việc gì có lợi cho dân thì ra sức mà làm”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Về việc nhận hồ sơ, phương án tối ưu nhất là bố trí cán bộ tư pháp hộ tịch ngồi tại bộ phận “một cửa” để nhận và giải quyết hồ sơ. Mỗi phường cần bố trí tối thiểu 2 cán bộ tư pháp hộ tịch, lại rất cần linh hoạt trong bố trí cán bộ.

Về chuyển hồ sơ, Phó Chủ tịch cho rằng hiện vẫn bất cập: Thay vì người dân “chạy lòng vòng” thì giờ cán bộ lại phải “chạy lòng vòng”, thay vì người dân đi 6 lần thì cán bộ phải chạy 3 lần, chưa kể nhiều rủi ro như mưa gió, tắc đường, ốm đau.... Do đó, cần tính đến phương án nhờ bưu điện, để có con người và thiết bị chuyên nghiệp, an toàn, lại có thể quy trách nhiệm dễ dàng vì đã có luật. Về việc này, đề nghị Sở Tư pháp đưa ra nhiều phương án linh hoạt để các quận, huyện lựa chọn, trong đó nên nghiên cứu dịch vụ bưu điện chuyển hồ sơ đi các cơ quan và trả kết quả tận nhà cho người dân (có thể dân ứng trước phí cho bưu điện)...

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn yêu cầu các sở, ngành liên quan báo cáo về thực trạng ứng dụng CNTT, rà soát lại toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, con người; đề xuất cơ chế tài chính để hỗ trợ cán bộ thực hiện TTHC liên thông. Sở Tư pháp trong thời gian đầu cần tăng cường chia nhiều đoàn đến tận nơi kiểm tra, hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”.
Từ thực tế tại địa phương, lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm kiến nghị, các cơ quan của TP đang là chủ đầu tư các phần mềm chuyên ngành cần phối hợp với UBND các cấp “cho liên thông” giữa các phần mềm để chuyển tiếp được cơ sở dữ liệu; đồng thời, cần quy định bổ sung cơ chế, chính sách cho cán bộ thực hiện liên thông TTHC.