Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều ngân hàng Việt có thể thiếu vốn trong 18 tháng tới

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Moody’s Investors Service, các ngân hàng Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng thiếu vốn trong vòng 12 - 18 tháng tới.

 

Theo báo cáo mới công bố ngày 8/5 của Moody's, các ngân hàng Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng thiếu vốn trong 12 - 18 tháng tới. Cũng theo Moody's, thiếu vốn tiếp tục là một trong những gánh nặng lớn cho ngành ngân hàng tại Việt Nam, vốn đang được xếp hạng tín nghiệm ở mức B1.

"Tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh của các ngân hàng sẽ nới rộng khoảng cách vốn của ngành trong giai đoạn 12 - 18 tháng tới”, Daphne Cheng, chuyên viên phân tích của Moody's viết trong báo cáo.

Theo Moody's, tăng trưởng GDP thực ở Việt Nam sẽ đạt mức trung bình 6,4% giai đoạn 2017 - 2018. Ngoài ra, tín dụng sẽ tăng trưởng 26% cũng trong 2 năm 2017 và 2018, không thay đổi nhiều so với năm 2016.

Số liệu của Moody's cho thấy, cuối năm 2016, toàn ngành ngân hàng Việt Nam có khoảng cách vốn khoảng 9,5 tỷ USD, chiếm 4,6% GDP.

Moody’s định nghĩa khoản hụt vốn này là lượng vốn bên ngoài ngân hàng cần để đưa các tỷ lệ vốn cấp 1 về mức 8% sau khi các ngân hàng sử dụng nguồn dự phòng cho lỗ và nợ xấu, đồng thời trích lập dự phòng cho tất cả lượng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.

Moody’s cũng cho biết thêm, hệ thống ngân hàng sẽ chịu một lượng thiếu vốn ước tính từ 5,1 đến 6,1 tỷ USD tính đến cuối năm nay, tương đương 2,5% - 3,0% GDP, nếu không có đột biến nào trong tỷ lệ nợ xấu và thu nhập lõi của ngân hàng.

Chuyên gia của Moody’s nhận định rằng, khả năng tạo vốn của ngân hàng Việt vẫn yếu, do tỷ suất NIM thấp, thu nhập từ phí thấp và gánh nặng trích lập lớn. “Trong bối cảnh này, phải mất nhiều năm thì hệ thống ngân hàng mới có thể lấp khoảng thiếu hụt vốn thông qua việc tự tạo vốn”.

Mới đây, Moody’s ra thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu không đảm bảo có độ ưu tiên cao và xếp hạng nhà phát hành của Việt Nam ở mức B1, đồng thời điều chỉnh triển vọng xếp hạng từ “ổn định” lên “tích cực”.