Nhiều người mua phải... hàng giả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với sự phát triển của các trang mạng xã hội (Facebook - FB, zalo, two, twitter…), thời gian gần đây, hoạt động thông tin, quảng cáo, rao bán trực tiếp các loại hàng hóa dịch vụ trên các trang này cũng nở rộ và thực sự mang lại hiệu quả cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, không ít đối tượng đã lợi dụng trào lưu này để lừa đảo, rao bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và cũng đã có không ít người trở thành nạn nhân mà vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt.

Thời gian đầu, các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được đưa lên mạng xã hội chỉ là những chia sẻ, bình luận của một nhóm người có chung sở thích. Dần dà, việc rao bán, giới thiệu sản phẩm trên những trang này trở nên bát nháo hơn khi nhiều người lợi dụng nó. Chỉ cần lập nhiều địa chỉ mạng xã hội khác nhau để bình luận, hay dùng một vài sim rác hoặc số điện thoại của bạn bè người quen nhắn tin khen ngợi về một sản phẩm, dịch vụ… để đánh vào tâm lý "sản phẩm có tốt thì mới có nhiều người khen ngợi!", các đối tượng lừa đảo đã có thể tạo được niềm tin của khách hàng.

Cũng có không ít trường hợp người bán dùng cách đăng tải hình ảnh sản phẩm gian dối tải bất hợp pháp từ trên website chính hãng. Nhiều người dù đã nêu cao cảnh giác nhưng đôi khi cũng bị lừa. Đơn cử như trường hợp của anh Tuấn Anh (Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai), bị hấp dẫn bởi dòng quảng cáo khuyến mại iphone 5S giá chỉ 7 triệu đồng trên một địa chỉ FB nên anh đã gọi mua. Đề phòng mua phải hàng nhái, anh đã kiểm tra rất kĩ các thông số kĩ thuật, chức năng do chính hãng Apple sản xuất mới giao tiền. Nhưng khi về nhà lắp sim sử dụng thì điện thoại báo không nhận sóng. Gọi hỏi người bán hàng, anh nhận được câu trả lời: "Đây là hàng sản xuất tại Trung Quốc nhưng mang qua Mỹ rồi xách tay về Việt Nam. Nếu đồng ý đổi lại thì bị trừ 20% phí hao mòn cộng thêm phí vận chuyển". Bị lừa mất gần 1,5 triệu đồng, anh đành nuốt trái đắng vì đã lỡ.

Bên cạnh hoạt động bán hàng mới thì hàng thanh lý rao trên các trạng mạng xã hội cũng khá phổ biến. Khi nền kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thường có xu hướng tiết kiệm, mua những sản phẩm đã qua sử dụng nhưng còn tốt. Tuy nhiên, trên nhiều diễn đàn, không ít người đã lập ra hẳn một topic bày tỏ bức xúc của mình với những hàng thanh lý "rởm", không xứng đáng với số tiền mua. Trong khi đó, cách đây hơn một năm, trên trang enbac.com, Ban quản trị mạng đã phải truy tìm những kẻ lừa đảo làm ảnh hưởng tới uy tín của trang mua bán này. Sau khi thông tin bắt được hai kẻ lừa đảo, nhiều người mới biết mình bị lừa. Bị mất vài trăm ngàn thậm chí vài triệu nhưng hầu hết nạn nhân đều tặc lưỡi coi như "ngu phí" vì không biết kêu ai.

Một cán bộ điều tra về lĩnh vực kinh tế đã đưa ra một vài giải pháp khi bị lừa đảo mua hàng trên FB, đó là lưu giữ lại toàn bộ giao dịch (qua tin nhắn, qua điện thoại, qua chat) để làm bằng chứng. Xét về thẩm quyền, người bị xâm hại có quyền gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an nơi khách hàng đã giao nhận tiền hàng hoặc nơi đã nộp tiền vào tài khoản cho đối tượng. Ngoài ra, họ có thể tìm đến sự trợ giúp của các tổ chức luật để làm đơn đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin cá nhân của số tài khoản đã lừa đảo.