Sau khi sử dụng, thần kinh con người bị tác động mạnh, xuất hiện ảo giác, hoang tưởng… Dẫn đến những hành động vô thức, thậm chí trở thành ác nhân giết người tàn độc.
Những thảm họa
Theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2016, cả nước đã phát hiện, bắt giữ tới 18.742 vụ phạm tội về ma túy với gần 29.000 đối tượng (tăng trên 1.794 vụ và 2.478 đối tượng), trong đó phần lớn các vụ án liên quan tới ma túy tổng hợp, ma túy “đá”. Tính riêng trong năm 2016, hàng loạt vụ thảm án ít nhiều lên quan đến ma túy đá. Điển hình trong số này là vụ thảm sát 4 bà cháu trong một gia đình tại Uông Bí (Quảng Ninh) gây phẫn nộ trong dư luận. Hung thủ Doãn Trung Dũng (SN 1972, trú tại TP Uông Bí).
Theo cơ quan công an, Dũng sử dụng ma túy đá mới hơn một năm nhưng hậu quả đã biến hắn thành ác nhân, mất hết nhân tính. Việc Dũng khai nửa đêm tỉnh dậy nghe tiếng xì xào, rầm rập như bước chân, tiếng động như đập cửa… Đồng thời, hoang tưởng gia đình nạn nhân đã báo công an tới bắt chính là biểu hiện rõ nhất của ảo giác ma tuý. Ngay tại phiên tòa xét xử vào cuối tháng 12/2016, Dũng khai báo không ý thức được đang hành động gì, thậm chí hắn tiếp tục đi ngủ tại nhà nạn nhân sau khi vừa giết người dã man… Doãn Trung Dũng bị tòa tuyên án tử hình nhưng hậu quả đau lòng do hắn sử dụng ma túy gây ra vẫn còn đó cho gia đình nạn nhân.
Ngoài vụ việc trên, hàng ngày, hàng tuần, trên các phương tiện thông tin truyền thông đều ghi nhận hình ảnh những đối tượng “ngáo đá”, hành động vô thức như leo lên nóc nhà, dây điện la hét, cởi tung quần áo đi lang thang giữa nơi công cộng, vung chân tay đánh lại những thế lực vô hình…Vụ việc gần đây nhất xảy ra là ngày 2/3 tại Hà Nội, cô gái ngoài 20 trong tình trạng khỏa thân, hoa chân múa tay, vừa lảm nhảm vừa chặn người tham giao thông giữa phố Hàng Thùng (quận Hoàn kiếm). Mọi nỗ lực mặc lại áo, khuyên giải cô gái này của người dân đều thất bại. Lực lượng chức năng buộc phải khống chế, áp giải cô gái trẻ về trụ sở công an phường…
Biến đổi tri giác
PGS.TS bác sĩ Cao Tiến Đức - Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Bệnh viện Quân y 103 cho hay, ma túy đá cực độc, tác động trực tiếp tới hệ thần kinh T.Ư. Nghiêm trọng hơn, đó chính là thủ phạm dẫn đến các triệu chứng loạn thần (hoang tưởng, ảo giác) gây nên tâm trạng hoảng loạn, sợ bị truy hại và sợ bị giết, rất dễ dẫn đến hành vi bạo lực giết người hàng loạt rồi tự sát. Lý giải về mặt y học một số vụ án thương tâm gần đây, bác sĩ Đức cho biết: “Ma túy đá có chứa chất dạng Methamphetamine hoặc Amphetamine được tổng hợp từ các hóa chất. Đây là chất kích thích mạnh, khi đi vào cơ thể làm biến đổi tư duy, tri giác, khiến người lương thiện thành kẻ hung hãn, độc ác”. Cơn “ngáo đá” có thể diễn ra trong vài chục phút, vài tiếng hoặc vài tháng tuỳ thể trạng cơ thể. Đáng lo ngại, những diễn biến ban đầu nằm bên trong tâm tưởng của kẻ sử dụng nên người xung quanh khó nhận biết.
Bác sĩ Cao Tiến Đức khuyến cáo, một bộ phận giới trẻ hiện nay đang có suy nghĩ lệch lạc về “sức mạnh” thông qua sử dụng ma tuý đá. Họ rủ rê bạn bè cùng sử dụng với những lời đường mật như: Tăng khả năng tình dục, giúp uống rượu không say, bay bổng, thư giãn, quên đi những buồn phiền… Chính sự hiểu biết còn mơ hồ, hạn chế của bản thân giới trẻ và chưa được gia đình sát sao quan tâm đúng mức là một phần nguyên nhân khiến loại ma túy độc hại này đang phát triển và tàn phá một bộ phận thanh niên trong xã hội. Để phòng tránh hệ luỵ xấu đến với chính gia đình mình, khi phát hiện người thân đã sử dụng ma tuý đá, cần tỏ ra đồng cảm, bình tĩnh nhưng kiên quyết quản lý và nhanh chóng đưa đối tượng đến cơ sở tâm thần để được tư vấn và điều trị.
Bình tĩnh ứng phó
Tiến sỹ Đoàn Văn Báu - chuyên gia tội phạm học mới đây đã chia sẻ trên truyền thông một số kinh nghiệm để nhận biết, cũng như xử lý an toàn trước các đối tượng có biểu hiện “ngáo đá”. Theo đó, các dấu hiệu cơ bản biểu hiện đối tượng đang “ngáo đá”, như: Đồng tử mắt nở rộng, mắt đảo qua đảo lại liên tục; đi vệ sinh, rửa tay và uống nước liên tục; mồ hôi có mùi khai; quầng thâm trên mắt rất rõ… đặc biệt, khi bị “ngáo đá” đối tượng có những hành vi bất thường, mất kiểm soát như nói lảm nhảm; la hét; đập phá; leo trèo; hung hãn… Nếu dấu hiệu “ngáo đá” mới diễn ra, đối tượng còn kiểm soát được hành vi thì người nhà cần trấn an, cho uống nhiều nước để làm giảm tác dụng gây ảo giác của ma túy đá. Khi nhận thấy đối tượng có biểu hiện bất thường, hành vi hung hãn cần phải sơ tán người già, trẻ em ra khỏi nhà, đến nơi an toàn. Đồng thời, nhờ hàng xóm hoặc lực lượng chức năng khống chế để kịp thời ngăn chặn hành vi gây nguy hiểm của đối tượng bị “ngáo đá”. Khi gặp đối tượng có biểu hiện “ngáo đá” nơi công cộng người dân nên di chuyển xa, không hiếu kỳ đứng xem.
Trường hợp không may bị khống chế, cần bình tĩnh tạm nghe theo yêu cầu của đối tượng. Tuyệt đối không được la hét, gào khóc sẽ càng làm cho đối tượng bị kích động dễ có hành vi nguy hiểm gây thương tích. Khi đối tượng có biểu hiện bình tĩnh hơn, cần chủ động hỏi thăm về đối tượng, gợi mở tâm sự, nói ra yêu cầu, làm cho đối tượng bình tĩnh trở lại, chờ cơ hội chạy thoát hoặc chờ lực lượng chức năng ứng cứu. Nếu nhận thấy có cơ hội có thể chắc chắn thoát ra không gây nguy hiểm với bản thân mới hành động chống trả. Tuyệt đối không cố gắng một mình khống chế đối tượng với bất cứ tình huống nào. Trong trường hợp người bị khống chế là trẻ nhỏ, người thân đi cùng cần phải rất bình tĩnh, một mặt trấn an con em mình không giẫy dụa, la hét, mặt khác từ từ xin đối tượng thay làm “con tin” để giải quyết tình huống khi có cơ hội.
Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước trong công tác quản lý, phòng ngừa tội phạm phát sinh từ ma tuý đá. Công an Thủ đô đã đưa ra các tiêu chí để phân loại các đối tượng có biểu hiện, nguy cơ “ngáo đá”, từ đó công an các cấp cơ sở lập hồ sơ quản lý và có biện pháp, tiến độ giải quyết với từng trường hợp. Tuyên truyền, vận động người sử dụng ma tuý tổng hợp tự nguyện cai nghiện. Đồng thời, thu thập thông tin, điều tra hành vi vi phạm pháp luật các đối tượng nghiện có biểu hiệu bất thường nhằm cách ly ngay khỏi xã hội khi phát sinh phạm pháp. Đại diện Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Hiện nay, trung bình mỗi tháng phải cấp cứu cho ít nhất 30 trường hợp nhập viện do sử dụng ma túy tổng hợp. Các bệnh nhân chủ yếu còn rất trẻ (từ 20 – dưới 30 tuổi), đa số đã ở tình trạng mất kiểm soát, vật vã, hoang tưởng hoặc nói năng lảm nhảm. |