Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều nhà xuất bản gặp khó

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 9/12, nhân buổi lễ trao chứng chỉ hành nghề biên tập viên (BTV), Cục Xuất bản, In và Phát hành (Cục Xuất bản) đã thông báo một con số đáng “giật mình”: 22/62 Giám đốc, Tổng Biên tập các nhà xuất bản (NXB) trên cả nước chưa được cấp chứng chỉ hành nghề biên tập.

Theo quy định của Luật Xuất bản và quy trình sắp áp dụng của ngành, từ ngày 1/1/2016, nếu lãnh đạo không có chứng chỉ này thì xuất bản phẩm của NXB khó có thể ra thị trường.

Không đủ điều kiện hoạt động

Hai năm qua, Cục Xuất bản đã tổ chức 11 lớp “Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ biên tập”. Lớp học này được mở ra nhằm “phổ cập” kiến thức, quan điểm, đường lối của Nhà nước trong hoạt động xuất bản tới tất cả các lãnh đạo, trưởng bộ phận biên tập và BTV của các NXB. 2 năm có 1.132 học viên hoàn thành khóa bồi dưỡng, nhưng chỉ có 804 người đủ điều kiện được cấp chứng chỉ. Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản: “Luật Xuất bản năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013 đã quy định Tổng Biên tập và BTV NXB phải có chứng chỉ hành nghề biên tập do Bộ TT&TT cấp”. Chưa có con số thống kê bao nhiêu phần trăm BTV trên cả nước hoàn thành chứng chỉ này, nhưng có tới 1/3 (22/62) số lãnh đạo các NXB (Tổng Biên tập, Giám đốc) không được cấp chứng chỉ hành nghề biên tập. Đồng nghĩa với việc 22 lãnh đạo các NXB không có chứng chỉ là việc các NXB không có quyền được xuất bản các xuất bản phẩm.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trao chứng chỉ hành nghề biên tập cho các biên tập viên.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trao chứng chỉ hành nghề biên tập cho các biên tập viên.
"Từ 1/1/2016, Cục Xuất bản sẽ áp quản lý quy trình xuất bản thông qua mạng internet. Trong quá trình nộp lưu chiểu, hệ thống máy của Cục sẽ tự động từ chối những xuất bản phẩm mà BTV chưa có chứng chỉ hành nghề biên tập hoặc BTV có chứng chỉ này nhưng Tổng Biên tập hoặc Giám đốc NXB chưa có chứng chỉ hành nghề biên tập. Thêm vào nữa, quản lý quy trình xuất bản bằng công nghệ sẽ giúp bạn đọc nhận biết sách lậu và sách in có phép bằng việc có thể tra cứu lai lịch từ tác giả, BTV, NXB, thời gian ra đời… của cuốn sách” - ông Chu Hòa – Cục trưởng Cục Xuất bản cho biết. Với công nghệ quản lý này, các NXB rất khó để có thể “lách luật”.

Điều kiện cần nhưng chưa đủ

Lý do cho việc mở lớp “Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ biên tập” được Cục Xuất bản đưa ra là: Đội ngũ BTV tuy có bằng cấp đa dạng về chuyên ngành, trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ cao nhưng lại thiếu kinh nghiệm, kiến thức pháp luật và nghiệp vụ xuất bản. Việc cấp chứng chỉ hành nghề biên tập nhằm góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ BTV. Thông qua việc cấp, thu hồi chứng chỉ sẽ kiểm soát, sàng lọc đội ngũ BTV, để đảm bảo trình độ nghiệp vụ, chuyên môn.

Không bị liệt vào danh sách các đơn vị có lãnh đạo chưa có chứng chỉ nghề biên tập do Bộ TT&TT cấp, nhưng NXB Tri thức mới chỉ có 4/7 BTV được cấp chứng chỉ nghề trong giai đoạn vừa qua. Theo bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Phó Giám đốc NXB Tri thức: “Thời gian thực hiện quy định trong 2 năm, nên nhiều BTV chưa sắp xếp được công việc đang thực hiện để dành quỹ thời gian đi học. Hơn nữa, trên thực tế, các BTV lâu năm, được đào tạo bài bản đã được học tập kiến thức về ngành xuất bản thông qua trường học”. Bà Thủy cho rằng, chứng chỉ nghề là điều kiện cần nhưng không thể coi là điều kiện đủ. Bởi rất nhiều nhân lực trẻ mới ra trường có hoàn thành khóa học trên, được cấp chứng chỉ cũng không thể được coi là một BTV, do chưa đủ độ tích lũy kinh nghiệm có thể vững tay biên tập.

Chắc chắn, Cục Xuất bản không chỉ dừng lại ở con số tổ chức 11 lớp “Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ biên tập”. Các lớp học này có thể được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, nhưng cũng không thể ngay trong tháng 12/2015. Chính vì vậy, đầu năm 2016, cán cân xuất bản của các NXB sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng, cho đến khi các Giám đốc, Tổng Biên tập, BTV bổ sung đủ chứng chỉ theo quy định.