Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều thay đổi trong chương trình phổ thông mới

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/4, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (GDPTTT) cũng như giải trình những bước thực hiện chương trình này.

Theo đó, Chương trình giáo dục phổ thông mới quy định cụ thể các cấp học từ Tiểu học đến THPT và có sự phân hóa các môn học bắt buộc, bắt buộc có phân hóa và môn tự chọn bắt buộc.
Đổi mới phương pháp giáo dục
GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, chương trình sách giáo khoa mới sẽ theo đúng lộ trình triển khai từ năm học 2018 - 2019 theo hình thức cuốn chiếu. Theo đó, Chương trình GDPTTT sẽ tập trung phát triển phẩm chất và năng lực HS. Theo GS, Chương trình này sẽ hình thành “chân dung” người HS mới với 6 phẩm chất: yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm; 10 năng lực cốt lõi (những năng lực mà ai cũng cần có để sống và làm việc trong xã hội hiện đại), bao gồm năng lực chung tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Những năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học, hoạt động giáo dục nhất định: năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội, năng lực công nghệ, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.

Học sinh lớp 11, Trường THPT Mê Linh trong giờ học Địa lí.    Ảnh: Chiến Công

Kế hoạch dạy học theo chương trình mới thực hiện giáo dục toàn diện, tích hợp ở các cấp tiểu học và THCS, thực hiện giáo dục phân hóa và tự chọn ở cấp THPT. Hệ thống các môn học của chương trình giáo dục phổ thông được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc. Theo đó, sẽ xuất hiện nhiều môn học mới ở các bậc học như ở cấp Tiểu học có thêm Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Ở cấp THCS có thêm môn Công nghệ và Hướng nghiệp, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Ở cấp THPT xuất hiện môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Thiết kế và Công nghệ. Với lớp 11 và lớp 12 sẽ có thêm Mỹ thuật, Âm nhạc vốn chỉ có ở bậc THCS trong chương trình hiện hành.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, điểm mới nhất của Chương trình GDPTTT là ở tại bậc THPT, trong đó lớp 10 là lớp dự hướng giúp HS có sự chuẩn bị nhất định về định hướng nghề nghiệp. Khi HS lên lớp 11, 12, chương trình phải bảo đảm HS được tiếp cận nghề nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội. “Nếu học dàn trải 14, 15 môn như hiện nay sẽ vừa quá tải và không bảo đảm cho HS học sâu để định hướng nghề nghiệp tương lai. Ở lớp 11 và 12, ngoài một số môn bắt buộc như Giáo dục quốc phòng, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo thì các môn còn lại sẽ được HS tự chọn 5 môn sao cho phù hợp định hướng nghề nghiệp của mình”– GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.
Nhiều băn khoăn
Với những ưu việt của chương trình phổ thông mới, điều khiến nhiều người băn khoăn là điều kiện của giáo dục hiện nay có khả thi để phát huy những yêu cầu đổi mới của chương trình? Lo ngại đầu tiên phải kể đến đội ngũ giáo viên. Việc làm sao để đào tạo mới, đào tạo lại hàng triệu giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu liên môn, tích hợp, phân hóa, đổi mới phương pháp giảng dạy theo chương trình mới đang cần Bộ GD&ĐT làm rõ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, dự thảo chương trình GDPTTT đã đưa ra những điều kiện tối thiểu về giáo viên và cán bộ quản lý để thực hiện được chương trình mới. Hiện nay, Bộ đang triển khai thực hiện các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với lộ trình áp dụng chương trình, SGK mới. “Bộ đang yêu cầu rà soát và xây dựng Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông phù hợp yêu cầu của chương trình mới; đổi mới chương trình đào tạo của các trường sư phạm theo hướng mở, linh hoạt; cập nhật” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa thông tin.
Một băn khoăn nữa khi thực hiện chương trình mới, về vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học có được rà soát để bổ sung phù hợp với chương trình mới hay không? Trong trường hợp không đủ điều kiệncó được triển khai chương trình mới hay không? Xung quanh vấn đề này, GS. Thuyết cho biết, Ban soạn thảo chương trình đã lường trước vấn đề này và đã đề nghị, trong thời gian chuẩn bị chương trình mới, Bộ GD&ĐT làm việc với từng địa phương để thúc đẩy công tác chuẩn bị triển khai chương trình mới. Trong đó, tập trung khắc phục vấn đề thiết bị dạy học đắp chiếu do chất lượng kém, không có người hoặc không quan tâm tới việc sử dụng thiết bị dạy học, bổ sung cơ sở vật chất, đảm bảo các điều kiện tối thiểu để áp dụng chương trình mới. “Ban soạn thảo chương trình đang làm hết khả năng để tháng 9/2017 sẽ ban hành chương trình tổng thể và toàn bộ các môn học. Ngoài ra, trong quá trình biên soạn chương trình thì đều triển khai dạy thử nghiệm nội dung mới. Đây là cơ sở để bộ phận biên soạn sách giáo khoa hoàn thiện để có bộ sách giáo khoa mới đáp ứng đúng tiến độ” – GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định.
Dự thảo Chương trình GDPTTT nêu 3 hình thức đánh giá: Đánh giá thường xuyên sẽ do giáo viên phụ trách môn học tổ chức thực hiện, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh HS, của bản thân HS; Đánh giá định kỳ sẽ do cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện. HS hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD&ĐT được cấp bằng tốt nghiệp THPT; Đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương… 

Điểm mới nhất của Chương trình GDPTTT là ở tại bậc THPT, trong đó lớp 10 là lớp dự hướng giúp HS có sự chuẩn bị nhất định về định hướng nghề nghiệp. Khi HS lên lớp 11, 12, chương trình phải bảo đảm HS được tiếp cận nghề nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội.
GS Nguyễn Minh Thuyết
Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới