Mạng xã hội đẩy thông tin lan truyền đến chóng mặt, người ngoài phố lao xao hết chuyện thay cây xanh ven hồ, đến chuyện bỏ xe máy, rồi biệt thự của nguyên Chủ tịch UBND TP bị bỏ hoang… Nhưng lao xao rộ lên, rồi lao xao lại tự xẹp xuống, kèm thêm một thái độ khó chịu, bất bình khi ai nấy hiểu được bản chất của vấn đề.
Ảnh minh họa |
Chẳng cần lục lại “hồ sơ” của tình trạng này mà chỉ cần nhắc đến 3 sự vụ vừa mới đây đã đủ cảm nhận độ khó chịu của người tiếp nhận thông tin. Ví như câu chuyện thay cây xanh ven hồ Hoàn Kiếm ầm ĩ dễ đến cả tuần với bao lời bình luận, tranh cãi, phản đối. Cho đến phiên chất vấn cuối kỳ họp HĐND vừa rồi, người dân mới yên dạ khi Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định: TP chưa bao giờ đặt vấn đề trồng lại cây xung quanh hồ Gươm. Hóa ra, dự án cải tạo hồ Gươm của Hà Nội chỉ có 3 hạng mục chính: Nạo vét, làm sạch nước và chỉnh trang ánh sáng. Quy trình được giao cho Ban quản lý dự án quận Hoàn Kiếm và đang xin ý kiến các bộ, ban, ngành, các nhà khoa học. Ngay cả UBND quận Hoàn Kiếm cũng khẳng định như đinh đóng cột không có nội dung thay thế cây xanh ở Hồ Gươm, chỉ có thiết kế thảm cỏ, vườn hoa... một cách đồng bộ và chọn lọc hơn. Vậy mà không hiểu sao lại “phát sinh” thêm ý tưởng thay cây xanh kia để người Hà Nội được một phen dậy sóng dư luận. Đúng là không trách được dư luận, bởi xét ra việc thay cây xanh ven Hồ Gươm nếu có thật sẽ là một kiện lớn với người yêu Hà Nội. Đáng trách là người đưa thông tin không hiểu biết tường tận để phát ra một nguồn tin thiếu chính xác, làm ảnh hưởng đến dư luận.
Rồi thông tin “biệt thự của nguyên Chủ tịch UBND TP bị bỏ hoang”, “hơn 90% người dân Thủ đô đồng ý cấm xe máy vào năm 2030” cũng tựa như những vết dầu loang trên biển trong buổi mạng xã hội bùng nổ.Nghe có vẻ giật gân, nghe có vẻ nghiêm trọng, nhưng đi vào bản chất vấn đề mới thấy ấy đích thị là kiểu cách giật tít mà dân mạng hay gọi là “câu like”. Bởi biệt thự ấy giờ vị nguyên Chủ tịch UBND TP đã trả lại TP – nghĩa là chẳng có liên quan gì đến ông, nên sẽ thật vô lý khi “lôi” tên ông vào thông tin này để nói về tình trạng hiện tại của ngôi nhà. Việc biệt thự ấy bị bỏ hoang chẳng qua là chúng ta đang thiếu cơ chế quản lý chặt chẽ, và chính quyền TP Hà Nội đang phấn đấu đưa quỹ biệt thự cũ vào quản lý bằng số hóa với một đề án có tính khoa học cao. Mỗi khi ai có nhu cầu tìm hiểu thông tin, chỉ cần bấm mã số trên internet là có thể cập nhật đầy đủ thông tin về biệt thự ấy.Hay con số 90% người dân Thủ đô đồng ý cấm xe máy ngay lập tức bị dư luận gán cho những cụm từ “bịa”, “láo”… Hóa ra đấy là một thông tin bị cắt gọt nên biến thành thiếu chính xác, 90% kia chỉ là của con số những người được hỏi trong cuộc khảo sát, chứ không phải tất cả người dân TP. Thế nên khi ông Lê Đỗ Mười – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (cơ quan được Hà Nội mời tiến hành lập đề án hạn chế xe cá nhân) giải thích về con số 90% người dân Hà Nội đồng ý cấm xe máy thì mọi người mới vỡ lẽ. Bởi khi khảo sát không thể có một cuộc điều tra toàn bộ người dân TP mà chỉ có phương pháp chọn mẫu tại các quận, huyện. Trong đó, có khảo sát cả đối tượng sử dụng xe máy, không đi xe máy. “Chúng tôi cùng với Công an Hà Nội, cảnh sát khu vực, Tổ trưởng tổ dân phố, phát phiếu đến tất cả các hộ dân đã được lựa chọn. Số lượng phiếu phát ra hơn 16.000 phiếu, thu về hơn 15.000 phiếu” – ông Mười cho biết.Chuyện này, không trách được người dân, bởi ai cũng rành rành “Mình và những người xung quanh có ai được hỏi đâu mà bảo 90%?”. Đáng trách là người đưa thông tin vô trách nhiệm với thông tin mình đưa ra…Đây chẳng phải là hiện tượng mới xảy ra trong giới truyền thông. Nhưng khi các sự vụ kiểu đó không phải là những “tai nạn nghề nghiệp” hi hữu, mà cứ nối đuôi nhau khơi lên trong dư luận, thì ai nấy đều đặt dấu hỏi về một cách “nhiễu thông tin” của truyền thông, hay mục đích của truyền thông. Liệu truyền thông kiểu này có còn giữ được chức năng để định hướng dư luận, trấn an dư luận vốn có? Liệu truyền thông kiểu này có làm ảnh hưởng đến uy tín và bộ mặt của giới báo chí vẫn đang từng ngày, từng giờ giữ mình trong tâm niệm “bút sắc, lòng trong”? Ngẫm ra cũng thấy buồn lòng!