Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều trang mạng đang làm hỏng nhạc Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tranh thủ thời gian giải lao của buổi ghi hình chương trình "Giai điệu tự hào", tôi mới trò chuyện được với nhạc sĩ Quốc Trung - Giám đốc âm nhạc của chương trình. Nhạc sĩ đang "hot" trong làng nhạc Việt hiện nay bày tỏ khá rõ quan điểm về âm nhạc, cũng như quan điểm về vấn đề vi phạm bản quyền âm nhạc.

Anh giữ vai trò Giám đốc âm nhạc của chương trình “Giai điệu tự hào”. Tuy nhiên, có một số bản phối lại của anh không nhận được sự đồng thuận của khán giả. Có vẻ như anh chưa đo đúng "gu" của người nghe?

- Thực ra, "Giai điệu tự hào" là chương trình làm mới lại những bài hát cũ, những bài hát đã đi cùng năm tháng và in dấu vào tâm trí hàng triệu người nghe. Việc làm mới lại những ca khúc như thế thực sự rất khó khăn, tuy nhiên, cá nhân tôi không quan tâm nhiều đến việc người khác nghĩ gì, bởi mỗi người có quan điểm của riêng mình. Việc hay hay dở là do cách thưởng thức của từng cá nhân thôi.

 
Tùng Dương trong chương trình "Giai điệu tự hào" số 3.
 
Mỗi khi phối lại một bản nhạc, anh quan tâm nhất điều gì?

- Bài hát bản thân nó đã mang tới người nghe những không gian, những câu chuyện khác nhau cho mỗi lần phối. Trong chương trình này cũng vậy, cũng cần có không gian mới, hơi thở mới, và đặc biệt là cảm xúc mới. Điều tôi quan tâm nhất chính là cảm xúc.

Vậy theo anh, một bài hát phối lại như thế nào được gọi là hay?

- Một bài hát là kết quả của cả một tập thể. Cá nhân tôi nghĩ, một tác phẩm chất lượng là khi tất cả có chung một cảm xúc, còn hay hay dở lại tùy thuộc quan điểm của mỗi người. Tất nhiên, để tạo nên một sản phẩm hoàn hảo thì cần sự đồng điệu của người phối khí, người dàn dựng và cả ca sĩ biểu diễn.

Trong chương trình vừa rồi, có rất nhiều thành viên từ Diễn đàn "Bài ca đi cùng năm tháng" phản đối việc làm mới những ca khúc của anh là đang "phá" những "tượng đài" âm nhạc ấy?

- Điều quan trọng trong sản xuất âm nhạc là phải có sự sáng tạo. Dù tôn vinh những bài hát đi cùng năm tháng mà vẫn gọi là "tài sản quốc gia", chúng ta vẫn cần có sự sáng tạo trong dàn dựng, và điều quan trọng là phải có cá tính âm nhạc của nghệ sĩ trong đó. Làm như thế mới tới được khán giả, mới để lại dấu ấn và cảm xúc cho người nghe. Cá nhân tôi rất dị ứng với những trang mạng chia sẻ miễn phí các bài hát hiện nay như kiểu Diễn đàn "Bài ca đi cùng năm tháng".

 
Tùng Dương trong chương trình "Giai điệu tự hào" số 3.
Tùng Dương trong chương trình "Giai điệu tự hào" số 3.
Theo lời người quản trị Diễn đàn "Bài ca đi cùng năm tháng" thì trang này hoạt động phi lợi nhuận và họ khẳng định có xin phép các tác giả để chia sẻ những ca khúc ấy?

- Người ta hay nhập nhèm trong chuyện bản quyền. Khi đưa lên các trang mạng thường nói là không kinh doanh và hoạt động phi lợi nhuận, nhưng lại bán quảng cáo. Không phải các bạn không kinh doanh thì có quyền lấy tác phẩm của người khác để mang đến cho ai đó. Có thể họ xin phép các tác giả, nhưng không phải là tất cả, họ đang đánh lận con đen. Ví dụ như bài hát "Chia tay hoàng hôn" của nhạc sĩ Thuận Yến do tôi phối và Thanh Lam thể hiện cũng được chia sẻ trên Diễn đàn này, nhưng tôi chưa bao giờ nhận được một câu xin phép. Khi chia sẻ miễn phí các tác phẩm âm nhạc, họ không chỉ vi phạm bản quyền sản xuất, mà còn bản quyền audio, bản quyền hòa âm phối khí, bản quyền người biểu diễn.

Tôi thì lại nghĩ rằng, có những bài hát chia sẻ như vậy cũng tốt, vì nó sẽ đến được với công chúng rộng hơn?

- Đó là suy nghĩ của những người không hoạt động âm nhạc. Tôi cam đoan là gần như 100% các trang mạng, các trang chia sẻ âm nhạc trực tuyến hiện nay đều đang vi phạm bản quyền. Điều này hủy hoại nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam. Nó làm cho người sản xuất âm nhạc mất khả năng thu hồi vốn và không có khả năng sản xuất những sản phẩm chất lượng. Đặc biệt là làm mất đi cảm hứng sáng tạo của người sản xuất. Tác giả bài hát không cần điều ấy, nên không phải nhân danh hoạt động phi lợi nhuận để chia sẻ miễn phí như vậy.

Xin cảm ơn anh!