Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều trẻ nhỏ bị bỏng do “bình siêu tốc”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi ngày, Khoa Bỏng - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận nhiều trẻ bị bỏng nước sôi, trong đó có số lượng không nhỏ trẻ bị bỏng liên quan tới “bình siêu tốc”.

Con số bệnh nhân nhập viện trong tình huống này đang có dấu hiệu tăng mạnh. Đặc biệt, bệnh viện vừa mới tiếp nhận bệnh nhân là trẻ vừa chập chững biết đi bị bỏng nửa người vì tự xả vòi nước nóng.

Lúc11h ngày 16/10, Khoa Bỏng – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội đông người nhà bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân kèm theo một hoặc 2 người chăm sóc. Chị Nguyễn Thị T, ở huyện Thanh Hà (Hải Dương) ẵm cháu Nguyễn Q.A 9 tháng tuổi, hai chân băng kín bông băng. Khuôn mặt người mẹ đầy lo lắng. Đã qua 5 ngày điều trị, bệnh tình của cháu Q.A đã tiến triển tốt, nhưng gia đình vẫn như còn nguyên cảm giác “choáng” khi sự việc xảy ra với bé Q.A. 

Chị T kể lại: Khoảng 13h, ngày 12/10, trong lúc chị đi lấy bình sữa, cháu Q.A lồm ngồm bò tới gần chiếc bình đun nước siêu tốc. Chiếc bình đổ ập xuống. Cháu Q.A khóc ré lên. “Lúc ấy, tôi chỉ còn biết cách gọi hàng xóm, đưa cháu vào viện cấp cứu mà thôi”. Cúi xuống nhìn con, nước mắt ngân ngấn, giọng chị nghẹn ngào: “Cháu còn đau rát lắm…”.
Bác sĩ Nguyễn Thống – Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội khám bệnh cho trẻ bị bỏng.
Bác sĩ Nguyễn Thống – Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội khám bệnh cho trẻ bị bỏng.
Trò chuyện với các bác sĩ đang tận tình chăm sóc cháu Q.A ở đây, chúng tôi được biết, cháu nhập viện vào lúc 14h30 ngày 12/10 trong tình trạng bỏng rát hai chân, diện tích 20% cơ thể. Do bỏng nặng nên lúc đầu nhập viện, các bác sĩ phải tích cực điều trị, tiêm thuốc giảm đau, chống nhiễm khuẩn…

Giường bệnh bên cạnh, bé Linh Giang ở quận Long Biên, Hà Nội cũng bị bỏng hai cánh tay quấn bông trắng muốt, bàn chân phải cũng bị bó lại. “Thủ phạm” gây bỏng cho bé cũng là “bình siêu tốc”. 

Chiều qua, trong lúc chờ nước sôi để tắm cho con, chị tranh thủ giặt mấy bộ quần áo. Bé Giang đứng trong xe tập đi loanh quanh thế nào lại với phải chiếc ấm đang đun nước trên bệ bếp. Bình nước đổ xuống, rơi vào hai cánh tay bé. May mà có chiếc xe tập đi che bớt phần cơ thể nên nó chỉ gây bỏng thêm ở bàn chân phải. Nghe tiếng thét của bé, chị chạy ra, hiểu ngay nguồn cơn tai họa và nhắc bé đặt vào cả chậu nước lạnh. Rồi chị quấn bé vào chiếc khăn, ôm con đến viện.

Một trường hợp khác, bé Nguyễn Thế Bảo 11 tháng cũng ở quận Long Biên, Hà Nội nhập viện ngày 12/10 vì bị bỏng 15% diện tích cơ thể ở mặt, ngực, tay. Hồ sơ bệnh án của bé ghi rõ rằng bé nghịch vòi nước nóng, bị nước xối vào người. Để con tự nghịch nước một mình trong nhà tắm – đây là tình huống có thể xảy ra với bất cứ đứa trẻ nào khi nhà tắm có bình nước nóng. 

Trao đổi với PV, bác sĩ Nguyễn Thống – Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho biết, những trường hợp trên chỉ là điển hình trong số 20 trường hợp trẻ đang phải tích cực điều trị tại Khoa do đã sờ, quờ vào các thiết bị - vật dụng chứa nước nóng. Các trường hợp này nhẹ thì bị bỏng tay, bỏng chân… còn nặng thì bỏng cả cơ thể. 

Cũng theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Khoa Bỏng – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội, từ năm 2014, Khoa tiếp nhận và điều trị cho gần 1.000 trường hợp trẻ bị tai nạn bỏng chiếm khoảng 50% tổng số ca bỏng nhập viện.

Điều đáng lưu ý là có nhiều trường hợp do các gia đình thiếu nhận thức, khi thấy con em mình bị bỏng đã tìm tới các “lang băm”, “lang vườn” để đắp thuốc nam cứu chữa. 

Theo các bác sĩ chuyên khoa Bỏng – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội cho biết, không thể phủ nhận tác dụng của các bài thuốc y học dân tộc, thế nhưng việc người bệnh tự tìm đến các “lang băm”, “lang vườn” để chữa bệnh theo các phương pháp chưa được khoa học kiểm chứng thì thật đáng lo ngại, nhất là đối với trẻ nhỏ - lứa tuổi mà tế bào da còn mỏng. Điển hình như trường hợp của cháu Nguyễn Thùy D, ở huyện Đông Anh (Hà Nội) đang phải nằm điều trị tại Khoa Bỏng – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội là một ví dụ.

Chị Nguyễn Thị L đang chăm sóc D tại bệnh viện kể lại, trưa 1/10, khi thấy cháu D con chị bị bỏng hai tay do quờ vào bình đun nước nóng siêu tốc, gia đình chị đã tìm đến nhà lang vườn tên Đ, ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) để điều trị. Tại đây, Đ đã đắp thuốc nam lên hai cánh tay của cháu D. Mấy ngày sau, vết bỏng không những không khỏi, cháu D còn bị sốt, bỏ ăn. 

Lo lắng trước bệnh tình của cháu D, ngày 6/10, gia đình chị L đã đưa cháu D đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội thăm khám. Lúc này, gia đình chị hoảng hồn khi được các bác sĩ cho biết, cháu bị nhiễm trùng vết bỏng. Rất may sau đó, dưới sự tận tình cứu chữa của các bác sĩ, vết bỏng của cháu D được chữa trị. Và chỉ còn ít ngày nữa, cháu D sẽ được xuất viện.

Tai nạn bỏng ở trẻ thật khôn lường. Vậy làm gì để những trường hợp tai nạn tương tự được ngăn chặn, theo bác sĩ Nguyễn Thống, trước hết các bậc phụ huynh cần theo dõi và kèm sát trẻ nhỏ đang tuổi bò, chập chững đi. Không để trẻ nằm, chơi ở khu vực có để thiết bị đựng, đun nước nóng. Đồng thời, kiểm tra độ nóng của nước trong các bồn tắm, thiết bị sinh hoạt có chứa nước nóng; nhắc nhở trẻ về các cách phòng ngừa tai nạn bỏng.