Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều trường chưa chủ động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, hiện tượng học sinh (HS) vi phạm trật tự ATGT, đặc biệt là tình trạng HS đi xe đạp điện vi phạm; HS gây gổ đánh nhau ngoài cổng trường ngày một tăng…

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do một số trường chưa chủ động cùng chính quyền, công an vào cuộc để đảm bảo an ninh trường học.

Xử lý thiếu kịp thời

Trong 3 năm qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp cùng Công an thành phố (CATP) để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn của hơn 2.400 cơ sở giáo dục (trong đó 2.090 trường công lập và 405 trường ngoài công lập). Ông Phạm Ngọc Tuấn - Trưởng phòng Công tác HS, SV (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết: Năm học 2013 - 2014, Phòng CSGT CATP đã triển khai 35 buổi quay camera ghi hình HS tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy tại một số cổng trường trọng điểm, lập biên bản, gửi đĩa đến nhà trường để nhận diện HS và có biện pháp xử lý. Các đội CSGT cũng đã cùng công an các phường, nhà trường khảo sát 60 điểm trông, giữ xe của HS; xóa 6 điểm trông, giữ xe trái phép. Đồng thời xử phạt hành chính 471 HS của các trường trong mô hình điểm vi phạm Luật Giao thông đường bộ, gửi danh sách về Sở GD&ĐT để nhà trường có biện pháp xử lý.
Xử lý hành chính học sinh vi phạm luật ATGT tại phố Xã Đàn.    Ảnh:  Linh Anh
Xử lý hành chính học sinh vi phạm luật ATGT tại phố Xã Đàn. Ảnh: Linh Anh
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết, một số đơn vị chưa chủ động phối hợp cùng công an, chính quyền địa phương trong công tác này, chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; một số đơn vị chưa theo dõi, kiểm tra HS mà trông chờ vào các cơ quan chức năng. "Khi nhận được danh sách HS vi phạm do công an cung cấp, nhiều trường chưa kịp thời xử lý và báo cáo phản hồi về Thường trực Sở GD&ĐT, nên HS vẫn vi phạm" - ông Tuấn cho hay.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trường học
“Tình trạng bán hàng rong quanh cổng trường không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, cảnh quan sư phạm nhà trường mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe HS, Phòng đã phối hợp công an quận giải tỏa những điểm nóng, kiểm tra ngăn chặn việc tái phạm. Vì thế, hiện nay Thanh Xuân không còn hàng quán bán rong quanh cổng trường”.

Bà Vương Thị Vân Khánh Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân
Ngoài vấn đề ATGT, theo ông Phạm Ngọc Tuấn, tình hình diễn biến phức tạp của xã hội trong quá trình hội nhập sẽ xuất hiện và tiềm ẩn những nguy cơ làm mất an ninh, an toàn trường học như sự phát triển của internet, các trang mạng xã hội, các đối tượng xấu có thể lừa đảo, kích động HS, dụ dỗ, bắt cóc HS nhỏ tuổi. Cùng với đó là tình trạng tuyên truyền, phát tán tranh ảnh có nội dung thiếu lành mạnh… "Thực tế cho thấy, trong thời gian qua đã xảy ra một số sự việc như Công ty CP Ngàn Phương phát tán tài liệu, tờ rơi có nội dung thiếu lành mạnh tới các trường học, tin nhắn tấn công vào hệ thống liên lạc điện tử của trường Tiểu học Hạ Đình (Thanh Xuân) khiến phụ huynh hoang mang; việc HS Trường THPT Đại Mỗ, Trung tâm GDTX Mỹ Đức tung clip có hình ảnh thiếu lành mạnh lên mạng… Rất may, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa CATP và Sở GD&ĐT Hà Nội nên các sự việc trên đã được giải quyết kịp thời" - ông Tuấn chia sẻ.

Trước những nguy cơ mới này, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị phòng GD&ĐT quận, huyện, các trường thực hiện tốt nội dung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Trong đó, quan tâm nhiều hơn đến tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho HS; Lồng ghép vào chương trình giảng dạy các nội dung ứng xử giao tiếp, đặc biệt, cần quan tâm đến HS, sớm tìm ra mâu thuẫn giữa các em để dập tắt ngay biểu hiện không lành mạnh, tránh để những mâu thuẫn nhỏ gây hậu quả không đáng có. Đồng thời, coi việc giữ an ninh trường học là một nhiệm vụ trọng tâm, là tiêu chí thi đua để đánh giá cuối năm.