Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều trường không mặn mà việc tự chủ trong tuyển sinh đại học, cao đẳng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tạo điều kiện cho các trường đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) chọn lựa được thí sinh theo đúng yêu cầu của ngành đào tạo, mùa tuyển sinh 2014, Bộ GD&ĐT có ý định giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, với điều kiện phải xây dựng đề án đáp ứng được các tiêu chí.

“Mở”… hé

Ngay khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, việc này nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho các trường. Hơn nữa, cũng là thực hiện điều 34 Luật Giáo dục ĐH là "Cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh" và Nghị quyết số 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là "Giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH". "Trong đổi mới giáo dục có nhiều việc phải làm, nhưng đổi mới thi và tuyển sinh là điều chúng ta có thể làm trước và nó có tác động rất lớn cho công tác đổi mới dạy và học" - ông Bùi Văn Ga bày tỏ.

 
Thí sinh nộp hồ sơ tuyển sinh tại trường Đại học sư phạm Hà Nội năm 2013. Ảnh: Đức Giang
Thí sinh nộp hồ sơ tuyển sinh tại trường Đại học sư phạm Hà Nội năm 2013. Ảnh: Đức Giang

 
Bộ GD&ĐT đưa ra 3 phương thức tuyển sinh để các trường lựa chọn và quyết định gồm: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Tất nhiên, Bộ yêu cầu các trường lựa chọn phương án nào thì phải xây dựng đề án đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và được Bộ xác nhận, mới được phép tuyển sinh riêng. Các trường được quyền tự chủ trong tuyển sinh, nhưng chỉ được tuyển sinh riêng tối đa 2 lần/1 năm theo thời gian thống nhất trong toàn quốc. Theo lý giải của ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), tổ chức tuyển sinh nhiều lần trong năm rất phức tạp, ảnh hưởng đến việc thi cử của thí sinh... 

Khi các trường tự tuyển sinh riêng đồng nghĩa với kết quả thi của thí sinh chỉ có giá trị xét tuyển vào trường tổ chức thi tuyển sinh theo cùng đề án và không được sử dụng kết quả thi "3 chung" của Bộ để xét tuyển.

“3 chung” vẫn được lựa chọn

Trước mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, có đến 17 trường ngoài công lập trình Bộ GD&ĐT đề án tuyển sinh riêng và đã phải mòn mỏi đợi chờ. Vậy nhưng, khi biết tin Bộ sẽ cho phép tuyển sinh riêng vào năm 2014, lãnh đạo nhiều trường ngoài công lập lại tỏ ra chán nản. "Bộ cho tự chủ nhưng khống chế nhiều điều kiện như vậy, chúng tôi còn phải nghĩ có nên ra "ở riêng" không. Tuyển sinh chỉ là một khâu trong đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng. Bộ hãy cho các trường được tự chủ tuyển sinh theo quy định của Luật. Các trường sẽ biết làm thế nào để đảm bảo chất lượng đầu vào và tạo dựng thương hiệu cho mình" - Hiệu trưởng ĐH Nguyễn Trãi Nguyễn Văn Nhã  nêu ý kiến.

Lãnh đạo một số trường ĐH công lập top đầu và giữa có đủ điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng cho biết họ không quan tâm nhiều đến quy định "mở" của Bộ, vì sẽ tuyển sinh theo phương thức "3 chung" đến khi Bộ không duy trì tiếp. Một lý do nữa, đó là quy định tuyển sinh riêng mà Bộ vừa đưa ra phải 3 năm nữa mới chín muồi. Lúc đó, học sinh đã được chuẩn bị trước, đã có định hướng nghề nghiệp và xác định đăng ký vào trường nào. Còn năm 2014, khi các em có nhiều cơ hội lựa chọn, trường nào tổ chức tuyển sinh riêng sẽ thành "ốc đảo" tự gây khó cho mình. Hơn nữa tổ chức thi "3 chung" các trường vẫn tuyển được thí sinh điểm cao.

Với tình hình này, từ nay đến 10/2/2014 sẽ rất ít trường nộp đề án tuyển sinh riêng đến Bộ GD&ĐT, bởi nhìn thấy rõ "nguy hiểm" khi Bộ vẫn còn duy trì thi "3 chung". Như vậy, phương án "3 chung" sẽ vẫn là giải pháp an toàn cho nhiều trường trong 3 mùa tuyển sinh tới đây.