Dột và sập xệ
Đến trường Mầm non thôn Đại Lan, xã Duyên Hà vào một ngày trời nắng, nhưng trong lớp lại có một chậu nhựa to được dùng để... hứng nước dột. Cô giáo Đinh Thị Nghĩa, phụ trách điểm trường cho biết, những hôm trời mưa nước dột chảy xuống nhiều, các cô giáo phải liên tục bê chậu nước đi đổ. Không chỉ thế, tại các phòng học, nhiều mảng tường bị bong tróc vữa, được các cô "che" bằng cách dán đè bằng các bức tranh vẽ ngộ nghĩnh lên. Khu nhà bếp có diện tích chưa đầy 10m2 vừa là nơi đun nấu, vừa là chỗ chia cơm, thức ăn cho 160 học sinh.
Lớp học tại trường Mầm non thôn Đại Lan, xã Duyên Hà phải dùng chậu để hứng nước dội. Ảnh Thiện Quang
Bên cạnh đó, do không đủ phòng học nên hai lớp mẫu giáo 5 tuổi của trường phải học nhờ tại nhà văn hóa thôn. Mỗi khi thôn họp, học sinh phải nghỉ học hoặc bị dồn sang ngồi ghép với các lớp nhỏ tuổi hơn. Ngoài thôn Đại Lan, điểm trường xóm Mới của xã Duyên Hà cũng trong tình trạng tương tự. Phòng học diện tích 40m2, nhưng được chia thành hai lớp với 80 học sinh. Theo bà Trần Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Duyên Hà, hệ thống trường lớp mầm non trên địa bàn xã hiện chưa đủ và không đảm bảo an toàn. Toàn xã có 676 trẻ nhưng mới chỉ có 396 trẻ ra lớp, còn lại phải đi học phân tán ở các xã bạn như Tứ Hiệp, Đông Mỹ, Liên Ninh, Ngũ Hiệp...
Tình trạng này cũng đang diễn ra ở điểm trường Mầm non thôn 2, xã Vạn Phúc. Trường có hai phòng học, diện tích chỉ khoảng 40m2 nhưng mỗi lớp có trên 40 học sinh. Ngoài ra, do không đủ phòng học, nhà trường phải mượn thêm hội trường của HTX Nông nghiệp xã Vạn Phúc, được xây dựng từ hơn chục năm nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Trần nhà bị nứt, trên tường, nhiều chỗ bị ngấm nước mốc rêu xanh; nhà vệ sinh hẹp, chỉ khoảng hơn 1m2 do nhà trường "tự chế"… "Lớp học sập xệ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy học" - cô giáo Nguyễn Thị Sở, trường Mầm non thôn 2 trăn trở.
Mong có trường, lớp mới
Hiện, xã Duyên Hà đã quy hoạch 8.000m2 để xây dựng mới điểm trường thôn Đại Lan; xã Vạn Phúc cũng quy hoạch, mở rộng diện tích điểm trường thôn 2 ra 4.000m2. Do đó, các địa phương mong mỏi TP và huyện xem xét, tạo điều kiện cho xây dựng các điểm trường mầm non mới, đủ để tiếp nhận hết học sinh trong độ tuổi đến trường trên địa bàn. |
Theo quy định, để đạt chuẩn quốc gia về giáo dục mầm non, một trong những tiêu chí quan trọng là diện tích trường phải đạt tối thiểu 10m2/trẻ. Bởi vậy, diện tích nhiều điểm trường của xã Vạn Phúc và Duyên Hà đều không đạt chuẩn. Không những vậy, phòng học xuống cấp có nguy cơ ảnh hưởng tới sự an toàn của trẻ nhỏ và giáo viên. Bà Đặng Thị Phượng, Hiệu trưởng trường Mầm non Vạn Phúc A bày tỏ, tất cả các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh đều mong mỏi có trường, lớp mới. Bà Phượng kiến nghị, TP, huyện sớm có kế hoạch đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp lớp học để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập.
ưÔng Phạm Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Hà chia sẻ, để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ cập học sinh 5 tuổi và tạo điều kiện cho các bậc phụ huynh yên tâm sản xuất, cần thiết phải xây dựng đủ phòng học cho các trường mầm non. UBND xã Duyên Hà cũng đã đề xuất huyện xây dựng điểm trường mới nhưng đến nay chưa nhận được sự đồng tình, thống nhất. Nguyên nhân là do xã nằm ngoài đê, trong hành lang thoát lũ nên việc xây dựng điểm trường mới gặp nhiều vướng mắc. Theo ông Vũ, cần có cơ chế đặc thù cho các địa phương vùng bãi còn nhiều khó khăn như Duyên Hà, Vạn Phúc trong xây dựng hạ tầng cơ sở.