Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều tuyến đường ở Hà Đông vẫn khó duy trì trật tự đô thị?

Bài và ảnh Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 10 tháng qua, quận Hà Đông đã xử phạt trên 2,6 tỷ đồng các vi phạm về giao thông, trật tự đô thị. Tuy nhiên, tại một số tuyến phố vi phạm trật tự đô thị, giao thông vẫn tái diễn.

Tăng cường tuyên truyền

Theo báo cáo của Công an quận Hà Đông, 10 tháng 2017, Ban chỉ đại 197 của quận Hà Đông đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết các vấn đề vi phạm về trật tự đô thị (TTĐT), an toàn giao thông (ATGT), trật tự công cộng (TTCC) lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ xe công cộng.
 Nhiều tuyến đường của Hà Đông đã thông thoáng, người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh chung.
Ngay từ đầu năm, khi Thành phố tổ chức ra quân lập lại trật tự đường, hè quận Hà Đông đã tổ chức đồng loạt ra quân ở 17 phường. Trong đó, giao việc đến từng các bộ, công chức, viên chức theo dõi quản lý TTĐT, ATGT và TTCC, có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra, xử lý vi phạm. Quận đã đưa 54 tuyến đường trọng điểm vào danh sách đảm bảo duy trì trật tự, xử lý nghiêm các vi phạm trật tự giao thông, trật tự đô thị công cộng, ký cam kết với các hội kinh doanh trên các tuyến đường không sử dụng vỉa hè, lòng đường.

Theo đại diện phường Hà Cầu, phường có 4 tuyến đường trong danh sách duy trì trật tự đô thị theo chỉ đạo của quận, đó là: Lê Hồng Phong, Tô hiệu, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Viết Xuân. Phường đã tập trung lực lượng kiên quyết xử lý các vi phạm như xử lý điểm kinh doanh vật liệu xây dựng ở khu vực đất dịch vụ Cầu Đơ, đất dịch vụ Hà Trì, sắp xếp các hàng quán và yêu cầu người dân kinh doanh trên các tuyến phố kể trên ký cam kết giữ trật tự và vệ sinh môi trường. Nhờ đó, nhiều tuyến đường đã thông thoáng.
 
Theo ông Bùi văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng: Thực hiện đảm bảo TTĐT theo chỉ đạo của TP và quận, phường Kiến Hưng đã thành lập tổ tự quản và xây dựng các tuyến đường tự quản giao cho tổ chức hội Thanh niên, Phụ nữ, hội Cựu chiến binh đảm nhận. Trên tuyến đường 430 (70A) giáp với Thanh Trì thường xuyên ùn tắc giao thông. Phường đã chỉ đạo tổ dân phố cử người thường trực phối hợp với cơ quan chức năng điều phối phân luồng giao thông.

Để người dân nắm được các quy định của luật GT đường bộ, các đơn vị, địa phương đã tập trung tuyên truyền với gần 6.000 tin bài trên loa truyền thanh và gần 200 lượt tuyên truyền lưu động, hàng chục nghìn lượt người tham dự. Cơ quan giao thông bố trí các lực lượng phân luồng, phân làn đảm bảo giao thông thông suốt, nhất là các tuyến đường đông xe và trong các ngày lễ lớn.

Tăng cường xử phạt, nhưng khó duy trì

Từ đầu năm đến nay các cấp, ngành trên địa bàn quận Hà Đông đã tổ chức nhiều đợt ra quân triển khai lập lại trật tự đô thị. Trong đó, Công an giao thông quận kết hợp với Đội Thanh tra giao thông và các địa phương giải tỏa lấn chiếm lòng đường vỉa hè, lòng đường, lập biên bản xử phạt và tạm giữ trên 1.600 giấy phép lái xe, xử phạt hành chính gần 2,5 triệu đồng, tước 131 giấy phép lái xe ô tô và 33 giấy phép lái xe mô tô.
 Đường Trần Phú trước cửa siêu thị Co.opmart thường xuyên tái diễn bán hàng rong hoa tươi, trái cây. 
Các địa phương và cơ quan chức năng của quận, phường đã xử lý vi phạm TTCC nhắc nhở trên 6.200 trường hợp, thu giữ biển quảng cáo, bàn ghế gần 12.700 trường hợp, cưỡng chế tháo dỡ và tự tháo dỡ trên 950 mái che, mái vẩy, bục bệ len xuống, xóa bỏ gần 9.450 quảng cáo rao vặt, xử phạt gần 1.400 trường hợp xe ô tô, mô tô dừng đỗ sai quy định với số tiền gần 920 triệu đồng.

Nhìn chung, qua một thời gian tuyên truyền, xử lý vi phạm đã làm chuyển biến đáng kể giữ gìn nhiều tuyến đường thông thoáng, trật tự đường hè được đảm bảo như Tô Hiệu, Quang Trung, Vạn Phúc, Tố Hữu, Mộ Lao, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Văn Lộc … Tuy nhiên, theo một số địa phương vẫn còn những vướng mắc khó được giải quyết. Cụ thể, tại Kiến Hưng tuyến dường 430 khu vực cổng Bệnh viện Bỏng 103, Bệnh viện K do nhu cầu mua hàng quà vặt tăng nên thường xuyên tái diễn người bán hàng rong xe thồ, quang gánh. Trên địa bàn phường có chợ Mậu Lương đã được TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch và chấp thuận cho xây dựng. Tuy nhiên, đến nay chưa được triển khai do đó bà con vẫn phải bám vào các tuyến đường Đa Sỹ, Mậu Lương để kinh doanh buôn bán dẫn đến mất mỹ quan đô thị, mất trật tự công cộng. Mặc dù các lực lượng chức năng đã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, song vẫn khó duy trì.
 Hàng thịt nướng, bánh mỳ bán tại đường Ngô Thì Nhậm cả ngày lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ nhưng chưa được xử lý.
Lãnh đạo phường Hà Cầu cũng chia sẻ: Mặc dù nhiều tuyến đường phường làm khá tốt, song việc kinh doanh hàng rong vẫn là đối tượng khó quản lý. Tại phường có tuyến đường Lê Hồng Phong, Lê Lợi gần với chợ Hà Đông thường xuyên tái diễn người bán hàng rong. Tại tuyến đường Ngô Thì Nhậm có 1 số hộ sử dụng lòng đường vỉa hè kéo dài nhưng cũng khó xử lý. Nhất là hộ sử dụng diện tích của tòa nhà chung cư nhưng bán hàng tràn ra vỉa hè. Tại tuyến đường Trần Phú trước cửa siêu thị Co.opmart và Big C thường xuyên có người bán hàng rong trái cây, hoa và bánh mỳ.

Như vậy, sau nhiều tháng kiên truyền tuyên truyền, vận động trên địa bàn Hà Đông nhiều tuyến đường đã được duy trì sạch đẹp, người dân được nâng cao ý thức giữ gìn TTCC và vệ sinh môi trường chung. Tuy nhiên, đối với những hộ nếu kinh doanh cố định cho dù có sử dụng diện tích đất của đơn vị nào thì cũng nên vận động, tuyên tuyền để họ hiểu những quy định chung về đảm bảo TTĐT, TTCC. Đối với những hộ kinh doanh bán hàng rong quận cũng nên sắp xếp nơi kinh doanh cho họ. Ngoài sự nỗ lực của Hà Đông, các cơ quan chức năng của thành phố cũng nên xem xét xây dựng cải tạo một số chợ trên địa bàn để bà con có nơi kinh doanh buôn bán ổn định. Một số tuyến đường bó vỉa hè quá cao khiến cho người dân phải bắc cầu mới vào được nhà, điều này cũng cần có sự hỗ trợ kinh phí để khắc phục.