Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ việc phức tạp, nghiêm trọng xảy ra, với thủ đoạn tinh vi, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng.
Thiếu kho bảo quản vật chứng
Vật chứng là một trong các loại nguồn chứng cứ mà Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 ghi nhận bên cạnh các loại nguồn chứng cứ khác. Để đảm bảo cho việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ do vật chứng chứa đựng phục vụ giải quyết vụ án thì vật chứng phải được thu thập, bảo quản đúng trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định.
Tuy nhiên, theo Thượng tá Thành Kiên Trung - Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an TP Hà Nội), khó khăn lớn nhất trong thực tiễn đấu tranh chống BL,GLTM&HG là thiếu kho bảo quản vật chứng. Lực lượng công an thường xuyên phải thuê kho ở bên ngoài. Có những lúc đơn vị thu giữ hàng chục tấn hàng hóa vi phạm, tiền thuê kho rất tốn kém, trong khi thời gian khá lâu mới được chi trả. “Chúng tôi đề xuất xem xét thay đổi quy định cơ quan có thẩm quyền tạm giữ vật chứng bằng việc cho đương sự tự bảo quản. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, liệu đương sự có thể lấy vật chứng tiêu thụ hay không” - Thượng tá Thành Kiên Trung băn khoăn.
Điều 153 Bộ luật Hình sự quy định: “Tội buôn lậu có hành vi buôn bán trái phép qua biên giới là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm”. Thế nhưng, theo Thượng tá Nguyễn Anh Minh - Phó trưởng Phòng Pháp chế (Công an TP), trên thực tế, để chứng minh hành vi qua biên giới rất khó. Vì vậy, nhiều vụ buôn lậu lớn không thể khởi tố, truy tố được các đối tượng phạm tội, mà chỉ xử lý hành chính.
Ngoài ra, do không tiếp giáp biên giới nên hàng hóa từ Trung Quốc về đến Hà Nội qua các cửa khẩu tại Móng Cái (Quảng Ninh), Lào Cai, Lạng Sơn phải đi qua nhiều tỉnh, thành. Vì vậy, công tác đấu tranh chống BL, GLTM&HG tại Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp.
Kẽ hở bị lợi dụng
Nghiên cứu các vụ việc liên quan đến BL,GLTM&HG, luật sư Phạm Hồng Sơn - Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Sơn đánh giá, do hệ thống văn bản pháp luật xử lý hành vi vi phạm trong công tác đấu tranh chống BL, GLTM&HG chưa đồng bộ, chưa kịp thời dẫn đến các đối tượng lợi dụng để phạm tội. Các văn bản pháp luật chưa tính đến những yếu tố mới có thể xảy ra. Nhiều quy định chồng chéo tạo ra những kẽ hở về pháp luật, dẫn đến nhiều vụ việc phải đấu tranh rất phức tạp.
Cụ thể, với hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì cơ quan công an không có thẩm quyền. Nhưng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 cho phép áp dụng các quy định của pháp luật ra đời sau thì cơ quan công an có thẩm quyền xử phạt theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, hình thức xử lý vi phạm bằng phạt tiền được sử dụng phổ biến nhưng khó thực hiện. Có những vụ việc, mức xử phạt quá cao, dẫn đến đương sự không thể nộp đủ.
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác liên ngành của T.Ư về tình hình thi hành pháp luật chống BL,GLTM&HG mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh đến tính đặc thù và khó khăn trong công tác đấu tranh chống BL, GLTM&HG trên địa bàn TP. Theo đó, Hà Nội kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo hướng phù hợp với các quy định mới trong luật, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống luật pháp. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống BL, GLTM tại các cửa khẩu biên giới, cảng hàng không quốc tế... nhằm ngăn chặn tội phạm ngay từ cửa khẩu biên giới, hạn chế tối đa hàng hóa nhập lậu về Hà Nội.
Đối tượng sản xuất và tiêu thụ rượu giả, rượu lậu cùng tang vật bị Công an Hà Nội phát hiện và thu giữ. Ảnh: Đông Phong
|
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2015, Hà Nội phát hiện và xử lý 1.267 vụ BL, GLTM&HG, giảm 34 vụ so với cùng kỳ năm 2014. |