Tại phiên họp Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực tại Văn phòng Chính phủ sáng 25/9, nhiều ý kiến thống nhất cần áp dụng công nghệ vào kỳ thi, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Xuân Phú |
Nói về phương án thi sau 2020, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, cần tích cực chuẩn bị chu đáo nhất cho lộ trình từng bước tiến hành thi trên máy.
Trong khi thực hiện, phải đặc biệt quan tâm đến sự chênh lệch phát triển các vùng miền, tính toán từng bước cẩn trọng, có lộ trình hợp lý để tránh xáo trộn không cần thiết. Cần quan tâm xây dựng ngân hàng đề thi, hạ tầng công nghệ - nội dung này có thể huy động các nguồn lực trong xã hội, đặc biệt là DN.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Thanh Long cũng đồng tình có lộ trình phù hợp áp dụng thi trên máy tính, nhưng cần sớm hoàn chỉnh ngân hàng đề thi và có cập nhật, bổ sung hàng năm. Lộ trình đổi mới, hoàn thiện kỳ thi cần được công bố để người dân hiểu rõ.
Cơ bản nhất trí với dự thảo phương án của Bộ GD&ĐT, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 GS Nguyễn Minh Thuyết đề nghị cải tiến nội dung đề thi theo hướng đánh giá được năng lực người học, như kiểu thi PISA, tránh chỉ kiểm tra kiến thức đơn thuần.
Nhận định phương án tổ chức thi sau 2020, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội GS Nguyễn Văn Minh cho biết, cần phải xem tác động đối với xã hội, người học, tác động để có nguồn nhân lực trong tương lai ra sao và tác động đến đổi mới nói chung. Muốn hay không muốn cũng phải đưa công nghệ vào, nhưng cần quan tâm các điều kiện đảm bảo tính khả thi: Hình thức tổ chức ra sao, ngân hàng đề thế nào, hạ tầng cơ sở vật chất trang thiết bị và cuối cùng là các chế tài và lộ trình thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn ủng hộ áp dụng công nghệ vào kỳ thi và cho rằng việc này cần làm khẩn trương nhưng có lộ trình từng bước chắc chắn. “Nếu đến năm 2025, chúng ta cơ bản áp dụng thi trên máy tính thì đó là thành công lớn mà nhiều nước chưa làm được” - ông Sơn nói.