Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều ý kiến về mô hình chính quyền địa phương

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mô hình tổ chức chính quyền địa phương vẫn là vấn đề còn tranh luận khá sôi nổi khi Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội tiếp tục cho ý kiến vào Dự án Luật Chính quyền địa phương, ngày 20/1.

Nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND phường

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, trên cơ sở nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các ĐB Quốc hội, tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đưa ra 2 phương án với mô hình chính quyền địa phương. Phương án 1, có sự phân biệt rõ giữa địa bàn nông thôn và đô thị. Theo đó, ở nông thôn sẽ tổ chức cấp chính quyền (có HĐND và UBND) tại 3 cấp; ở đô thị chỉ tổ chức cấp chính quyền tại TP trực thuộc T.Ư, thị xã, TP thuộc tỉnh, quận và đơn vị hành chính tương đương, còn tại các phường sẽ chỉ tổ chức cơ quan hành chính (UBND). Phương án 2, tiếp tục tổ chức cấp chính quyền địa phương (có HĐND và UBND) ở tất cả các đơn vị hành chính.

 
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’sor Phước phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’sor Phước phát biểu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: TTXVN
Cơ quan thẩm tra đồng tình với phương án 1, đây cũng là phương án được chọn thể hiện trong Dự Luật. Ông Phan Trung Lý cho rằng: Việc tổ chức chính quyền 2 cấp ở đô thị sẽ bảo đảm tính thống nhất, liên thông về quản lý quy hoạch, kết cấu hạ tầng và đời sống dân cư trên địa bàn, tinh giản về tổ chức bộ máy.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cũng cho rằng: Thực tiễn hoạt động của HĐND cơ sở, nhất là cấp phường thời gian qua rất hạn chế. Tại TP chỉ nên tổ chức HĐND đến cấp quận. Tuy nhiên, nếu thực hiện phương án này, đề nghị chủ tịch UBND phường phải do Nhân dân phường bầu trực tiếp, hoặc tổ chức hội nghị ĐB Nhân dân phường để bầu ra chủ tịch UBND phường. Khi giám sát, HĐND quận sẽ giám sát tất cả hoạt động của chính quyền phường.

Đề nghị đưa ra lấy ý kiến Nhân dân

Ngược lại, nhiều ý kiến lại không đồng tình với việc bỏ HĐND ở một số đơn vị hành chính. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: HĐND cấp phường là cấp quản lý tất cả các vấn đề của địa bàn, quyền lực hơn rất nhiều cấp xã, thậm chí mạnh hơn cấp huyện, nếu bỏ đi thì ai giám sát và cấp quận có đủ sức giám sát không?

Trưởng ban Công tác ĐB Quốc hội Nguyễn Thị Nương thì dẫn kết quả giám sát tại các tỉnh, TP thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và 5 tỉnh không thí điểm cho thấy, nhiều nơi thí điểm đề nghị vẫn giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như trước đây. Có 3 tỉnh, TP là Đà Nẵng, Phú Yên, Kiên Giang đề nghị tổ chức mô hình chính quyền đô thị và nông thôn, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, có những ý kiến đề nghị phải duy trì mô hình HĐND.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng ở đâu có UBND, có chính quyền địa phương thì ở đó phải có HĐND để giám sát hoạt động. Vì vậy phải tính kỹ, tránh làm rối. Và đề nghị, lấy ý kiến Nhân dân về vấn đề này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Nhiều ủy viên UBTV Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung làm rõ những ưu điểm và nhược điểm cụ thể của từng phương án. Đồng thời thể hiện rõ phân cấp, phân quyền giữa cơ quan Nhà nước ở T.Ư với địa phương. Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị bổ sung vào Dự Luật một chương quy định về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt…

Cùng ngày, UBTV Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật An toàn, vệ sinh lao động.
 
Phải luật hóa quan điểm có bao nhiêu bộ vào trong Luật
Chiều 20/1, thảo luận về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Dự Luật phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng. Việc phân cấp, phân quyền cũng phải thể hiện đầy đủ, cụ thể, trên làm gì, dưới làm gì, như thế hoạt động mới thông suốt, hiệu quả.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần rà soát lại quyền hạn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, vì nhiều quyền hạn thuộc trách nhiệm của tập thể Chính phủ nhưng lại đưa vào trong quyền hạn của Thủ tướng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: "Dự luật quá mờ nhạt, phải luật hóa quan điểm có bao nhiêu bộ vào trong Luật. Sau này thêm bộ nào thì sửa một vài điều của Luật".