Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều yếu tố văn hóa truyền thống bị biến đổi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chia sẻ về những nhận thức sai lệch trong giá trị văn hóa của các nhà quản lý, PGS.TS Nguyễn Văn Huy dẫn chứng từ thực tế: “Trong hơn nửa thế kỷ qua, từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, văn hóa Việt Nam thay đổi nhanh chóng.

Nhiều yếu tố văn hóa truyền thống bị biến đổi do chúng ta nhận thức, mong muốn làm một cuộc cách mạng để xây dựng một nền văn hóa mới. Trong quá trình thực hiện, do quan niệm ấu trĩ nên nhiều di sản văn hóa do cha ông để lại bị coi là lạc hậu và tìm cách xóa bỏ, thay thế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trước hết xuất phát từ thượng tầng, từ chính sách của Nhà nước. Quá trình thực hiện chính sách, lại tùy thuộc vào nhận thức của các nhà quản lý văn hóa các cấp nên cũng ảnh hưởng nhiều đến các di sản văn hóa. Có một thời, Nhà nước tuyệt đối hóa chủ nghĩa duy vật biện chứng, cấm đoán mê tín dị đoan và xem đời sống tâm linh là duy tâm và phải triệt hạ. Bao nhiêu đình, chùa, đền, miếu bị tàn phá, dồn ghép tạo nên sự hỗn độn, hổ lốn trong các không gian văn hóa. Ví dụ: Đền Quán Thánhở làng Đông Bộ Đầu (Thường Tín, Hà Nội) thờ một vị Thánh được cho là Thánh Gióng, nay lại thờ cả Phật, tạo nên tình trạng thờ cúng tiền Phật hậu Thánh. Khi đi điền dã, chúng tôi hỏi những người lớn tuổi mới biết là vào những năm 1970, trong làng này có một ngôi chùa gọi là chùa Giữa. Khi người ta phá chùa để làm trường học, kho thóc hợp tác xã thì họ di chuyển các bức tượng Phật vào phần ngoài của ngôi đền Quán Thánh. Hiện nay, khi tổ chức lễ hội, các nhà sư vẫn đến làm lễ Phật và người dân vẫn lễ Thánh, tạo nên một sự hỗn độn văn hóa, làm thay đổi giá trị di sản văn hóa. Đó là một sự mất mát lớn, tạo ra những nhận thức sai lệch về giá trị của di sản văn hóa, nhiều khi trở thành hổ lốn”.