Nhịn ăn sáng hoặc ăn không đúng cách: Gây hại cho sức khỏe

TS Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày càng nhiều người bỏ bữa sáng - bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Tuy nhiên, xu hướng bỏ bữa sáng này có liên quan đến vấn nạn béo phì và tim mạch đang gia tăng ở nhiều quốc gia.

Đối với người tiểu đường, việc bỏ bữa sáng sẽ làm tăng lượng đường trong máu, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tăng đường máu với người tiểu đường

Cho đến nay, ảnh hưởng của việc bỏ bữa sáng đối với sức khỏe của người tiểu đường vẫn chưa được nhiều người biết đến. Một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Điều trị Tiểu đường và được trình bày tại một hội nghị của Hiệp hội Tiểu đường Mỹ khẳng định, nhịn ăn sáng làm tăng lượng đường trong máu và làm ức chế các phản ứng insulin của người bị tiểu đường type 2 suốt thời gian còn lại trong ngày. Nghiên cứu lâm sàng này được tiến hành trên những người bị tiểu đường type 2 có độ tuổi trung bình là 56,9 và chỉ số khối cơ thể (BMI) là 28,2. Trong 2 ngày, những người tham gia tiêu thụ lượng calo và bữa ăn giống nhau - sữa, cá ngừ, bánh mỳ và một thanh sôcôla cho bữa trưa và bữa tối. Khác biệt duy nhất là một ngày, họ ăn sáng và ngày còn lại thì nhịn đến trưa. Và rất bất ngờ khi hoạt động chuyển hóa glucose của ngày không ăn sáng kém hơn nhiều ngày có ăn sáng. Điều này có nghĩa là giảm lượng tinh bột và đường trong bữa trưa và bữa tối sẽ không có tác dụng giảm lượng glucose bị tăng lên nếu người bị tiểu đường bỏ bữa sáng.

Vì nhiều lý do mà rất nhiều người thường xem nhẹ hoặc bỏ luôn bữa sáng. Ảnh: Trần Anh

Cũng theo nhiều nghiên cứu khác, tế bào beta ở tuyến tụy có chức năng sản xuất ra insulin bị mất “trí nhớ” sau một thời gian kéo dài từ bữa tối của ngày hôm trước và bữa trưa của ngày hôm sau. Nói cách khác, chúng quên mất vai trò quan trọng của mình. Vì thế, tế bào beta cần thêm thời gian sau bữa trưa để phục hồi, việc này làm chậm các phản ứng insulin và làm tăng lượng glucose trong máu suốt cả ngày. Ngoài ra, nhịn ăn sáng cũng sẽ tăng số axit béo trong máu, làm cho insulin mất khả năng giảm lượng glucose trong máu.

Tóm lại, đối với người bị tiểu đường type 2 không nên bỏ bữa sáng vì sẽ dẫn đến lượng đường trong máu tăng, ngay cả khi người bệnh không ăn bù vào bữa trưa và bữa tối.

Sai lầm trong cách ăn sáng

Nhiều người quan niệm, bữa sáng chỉ cần 1 ly café là đủ, nhưng thực tế, nếu không ăn sáng, nhiều khả năng bạn sẽ ăn uống hơi quá đà vào các bữa sau đó. Những người không có cảm giác đói, bữa sáng chỉ cần ăn một quả trứng luộc, hoặc một ít yến mạch, sữa chua…

Có những người lại thích ăn thức ăn nhanh và tiện lợi như bánh ngọt, bánh nướng xốp hay ngũ cốc chứa nhiều đường, carbohydrate... Những thực phẩm này thiếu chất xơ, ăn nhiều sẽ khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi và dễ tăng cân. Nếu thời gian ăn kéo dài thì bạn đã bỏ lỡ mất lợi ích rất lớn của protein trong bữa sáng. Nếu bạn ăn protein vào bữa sáng, thì có thể sẽ đạt được nhu cầu protein khuyến nghị một ngày, là tối thiểu 56g với nam giới và 46g với nữ giới. Do vậy, nếu có thể, nên ăn các món như trứng, các loại đậu, rau xanh, các loại hạt…

Để giảm cân, nhiều người chỉ dùng một ly sinh tố trái cây buổi sáng để tốt cho sức khỏe. Nhưng thực sự không phải vậy, sinh tố trái cây có thể được pha thêm rất nhiều đường. Thêm đường, dù chỉ là một chút, cũng khiến bạn nạp vào cơ thể thêm một lượng calo, nếu thói quen này kéo dài trong nhiều ngày, có thể sẽ bị tăng cân. Vì vậy, chỉ nên uống nước ép trái cây nguyên chất, không thêm thành phần đường và ăn thêm một loại thực phẩm giàu protein hoặc giàu chất xơ, như trứng, ngũ cốc nguyên cám sẽ tốt cho sức khỏe.

Nhiều người bỏ bữa sáng, ngược lại, có những người ăn sáng rất nhiều, đặc biệt là các loại ngũ cốc, điều này cũng không tốt cho cơ thể khi cơ thể phải hoạt động quá nhiều để dung nạp năng lượng.