Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhìn lại 10 năm Đà Nẵng xây dựng Thành phố môi trường

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề án TP môi trường được Đà Nẵng triển khai từ năm 2008. Sau hơn 10 năm, đề án đã mang đến những kết quả tích cực cho TP.

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển đô thị nóng, áp lực gia tăng dân số như hiện nay, Đà Nẵng đang đối mặt nhiều thách thức trong mục tiêu hướng đến TP sinh thái.
Xử lý triệt để 13/15 điểm nóng môi trường
Tháng 8/2008, Đà Nẵng triển khai đề án “Xây dựng Đà Nẵng - TP môi trường”. Tổng vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường là 11.922 tỷ đồng.
Mục tiêu của đề án đến năm 2020 là đảm bảo các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, nước, không khí, tạo sự an toàn về sức khoẻ và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, cho du khách; ngăn ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường, có đủ năng lực xử lý và khắc phục các sự cố môi trường; tất cả người dân thành phố, các tổ chức cá, nhân trong, ngoài nước đến làm ăn, sinh sống tại Đà Nẵng đều có ý thức về bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố môi trường.
Đà Nẵng đang hướng đến TP sinh thái. 
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho biết: Qua 10 năm thực hiện, đề án TP môi trường đã góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường của người dân. Các quận, huyện đều có đề án môi trường. Nhiều phong trào bảo vệ môi trường được phát động, triển khai và mang lại hiệu quả.
Đà Nẵng hoàn thành cơ bản các công trình xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tập trung (Phú Lộc, Sơn Trà, Hòa Xuân, Ngũ Hành Sơn, Khánh Sơn…), tổng công suất 300.500 m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, TP chú trọng đến khâu hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống rủi ro thiên tai.
Kết quả: Chỉ số ô nhiễm không khí (API) nhỏ hơn 100 (đo đạc bằng các trạm quan trắc tự động và liên tục). Diện tích không gian cây xanh đô thị bình quân 6 đến 8m2/người. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tại nội thành đạt 97,83%, tại huyện Hòa Vang đạt 76,81. Tỷ lệ nước thải công nghiệp đạt yêu cầu xả thải đạt 100%. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt: Khu vực nội thị > 95%; khu vực nông thôn > 70%. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý: Năm 2018 thu gom 61%, xử lý: 42%); năm 2020 dự kiến đạt >50%.
“Đặc biệt, 13/15 điểm nóng về môi trường đến nay được xử lý triệt để, 2 điểm nóng phức tạp được kiềm chế”, ông Hùng thông tin.
Mỗi ngày TP phát sinh hơn 1.100 tấn rác
Theo ông Tô Văn Hùng, hiện nay, mỗi ngày TP Đà Nẵng phát sinh hơn 1.100 tấn rác thải. Dự kiến từ năm 2020 - 2025, phát sinh hơn 1.800 tấn/ngày; 2025 - 2030 phát sinh hơn 2.400 tấn/ngày; 2030 - 2040 phát sinh hơn 3.000 tấn/ngày.
Công tác thu gom rác thải trên địa bàn TP Đà Nẵng còn nhiều bất cập.
Những con số cảnh báo trên cho thấy đô thị Đà Nẵng đang đối mặt với quá nhiều lực về vấn đề rác thải trong tương lai. Còn thực tế, người đứng đầu Sở TN&MT TP Đà Nẵng thẳng thắn: “Tồn tại hiện nay là gia tăng tình trạng rác thải bừa bãi, thiếu trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật đối với chất thải rắn (trạm trung chuyển, điểm tập kết…); công nghệ xử lý lạc hậu, ô nhiễm kéo dài; chậm triển khai xã hội hóa trong thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, thủ tục đầu tư còn vướng mắc”.
Tại Hội nghị tăng cường công tác đảm bảo trật tự đô thị năm 2019 diễn ra ngày 5/4, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cảnh báo, bãi rác Khánh Sơn đến tháng 9 tới sẽ đầy. Nếu không có bãi chứa mới, TP sẽ ngập rác, nguy cơ biến thành “thành phố chết”.  
“Nóng” vấn đề nước thải
Bên cạnh rác, nước thải cũng là vấn đề “nóng” của TP Đà Nẵng hiện nay. Giám đốc Sở TN&MT Tô Văn Hùng cho rằng, hệ thống thu gom nước thải quá tải tại một số khu vực phát triển nhanh; khu vực nông thôn phần lớn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Trong khi đó, hệ thống thoát nước mưa chung với thoát nước thải nên tồn tại tình trạng nước thải tràn ra biển (55 cửa xả ra sông, biển); năm 2018 còn 12 điểm ngập úng.
Thời gian quan, biển Đà Nẵng liên tục bị đe dọa bởi nước thải đô thị.
Tồn tại nữa là các trạm xử lý nước thải đô thị cũ, công nghệ lạc hậu, kết cấu bể, thiết bị cũ, xuống cấp nên tỷ lệ thu gom đạt khoảng 60%, tỷ lệ nước thải xử lý đạt 42%. Vì thế, sự cố thường xuyên xảy ra, có phản ánh do ô nhiễm. Các hệ thống bố trí gần khu dân cư, không đảm bảo khoảng cách ly vệ sinh.
Nhiều thách thức khác
Bên cạnh những tồn tại trên, Sở TN&MT TP Đà Nẵng còn cho biết: Hiện nay, diện tích cây xanh đô thị trên địa bàn Đà Nẵng đạt hơn 7m2/người. Tuy nhiên, so với chuẩn đô thị loại 1 (10 đến 12m2/người) thì chưa đạt. Quy hoạch, đầu tư xây dựng còn hạn chế: diện tích đất, phân bố, nguồn lực thực hiện. Nguồn lực hạn chế, chưa có công cụ quản lý, chưa xử lý nghiêm. Nguồn vốn đầu tư xây dựng mới các khu đất công viên, vườn hoa, đất cây xanh quanh các hồ điều tiết… chưa được bố trí, không đáp ứng được mục tiêu tăng nhanh diện tích mảng xanh tập trung…
Một phụ nữ chèo thuyền nhặt rác thải nhựa ở âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).  
“Tăng dân số, phát triển du lịch và dịch vụ tăng (trung bình 19,8%/năm), suy giảm tài nguyên, biến đổi khí hậu, thiên tai… dẫn đến gia tăng chất thải, thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật, phát sinh sự cố môi trường. Đó chính là những thách thức đối với Đà Nẵng trong tương lai”, ông Tô Văn Hùng chia sẻ.  
Xây dựng TP môi trường giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2045, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng đã đưa ra hàng loạt giải pháp. Trong đó, cần sớm đầu tư Hệ thống thu gom nước thải khu vực phía Đông; đầu tư thay thế Hệ thống thu gom nước thải khu vực vịnh Đà Nẵng.
Sở TN&MT kiến nghị TP Xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai thực hiện Đề án TP môi trường trong giai đoạn tới; nghiên cứu, xây dựng các Quy định về quản lý đô thị, quản lý môi trường đáp ứng với mục tiêu thành phố môi trường, TP sinh thái; phối hợp, xây dựng Chương trình hợp tác - hỗ trợ triển khai Đề án của TP Đà Nẵng, trong đó xây dựng các chính sách, cơ chế đặc thù…
Sở TN&MT kiến nghị Bộ TN&MT hỗ trợ TP xây dựng mô hình điểm cấp quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đô thị, quản lý lưu vực sông, quản lý môi trường biển; hỗ trợ đầu tư Hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn, khí tượng hải văn, chất lượng môi trường (nước, không khí) đồng bộ, hiện đại; hỗ trợ kịp thời giải quyết những vấn đề bất cập trong quá trình thực thi các dự án cấp bách về môi trường…