Mặc dù so với cùng kỳ năm ngoái số vụ tai nạn có giảm, nhưng số lượng các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng. Vậy làm thế nào để giảm TNGT một cách bền vững đang là câu hỏi chưa có lời giải. An toàn giao thông - niềm mơ ước của xã hội Sống giữa thời bình, trong một xã hội văn minh, hiện đại nhưng khi đi đường ai cũng nơm nớp ái ngại tới vấn đề giao thông như: Tai nạn, tắc đường… Nguyên nhân do đâu? Đổ lỗi cho pháp luật không nghiêm, do đường sá không đảm bảo hay đổ lỗi cho các cấp chính quyền, ban ngành… Đó chỉ là những yếu tố khách quan, đúng nhưng không đủ, liệu đã có ai tự đổ lỗi cho chính bản thân mình? Chạy quá tốc độ quy định, phóng nhanh, vượt ẩu; đi không đúng phần đường, làn đường; chở quá số người; dừng đỗ không đúng nơi quy định; uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện; không đội mũ bảo hiểm... là những nguyên nhân chính gây TNGT.
Đối với nhiều người dân, khi tham gia giao thông trong TP đều cảm thấy bất an bởi những vi phạm luôn xảy ra trước mắt. Điển hình, những pha rú ga tăng tốc "thoát đèn", nhất là giới trẻ khi qua nút gặp đèn vàng, mà cuối cùng chỉ là "tiết kiệm" được vài giây đi đường. Đấy là khi đường vắng, ít người qua lại, nhưng trong giờ cao điểm, ai cũng cố len lỏi, luồn lách để mình không bị tụt lại phía sau sẽ gây nguy hiểm cho nhiều người khác. Trên các tuyến phố, khi tham gia giao thông nếu ai cũng nhường nhau và đi đúng luật thì chắc đã không có cảnh người người chen chúc, coi vỉa hè như lòng đường. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi cái tôi ích kỷ không chịu thua thiệt của một số ít người đã kéo theo hàng ngàn, hàng vạn người cũng hành động như họ để tạo nên cái gọi là "văn hoá giao thông cộng đồng". Từ những bạn trẻ đi xe đạp đến những nam thanh nữ tú đi xe máy hay cả những người trung niên… nếu cứ tự tạo cho mình lối suy nghĩ: "Đã ra đường phải luồn lách, bon chen", thì đường đã tắc càng tắc hơn, tai nạn là điều khó tránh khỏi. Vì thế, mỗi người khi tham gia giao thông hãy nhìn lại ý thức của bản thân… Muốn đi nhanh hơn vài giây nhưng có thể điều đó sẽ làm bạn chậm đi không phải một vài giây, vài phút, vài giờ, mà cũng có thể là chậm cả đời. Bao giờ khẩu hiệu thực sự đi vào cuộc sống? "Phía trước tay lái là sự sống, hãy lái xe bằng cả trái tim", hay "Nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông", "Cấm phóng nhanh, vượt ẩu", "Không được chở quá số người quy định"; "Lạm dụng rượu, bia - hiểm họa ATGT", "Nơi thường xảy ra tai nạn"; "Đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy", "ATGT - Hãy không ngoài cuộc"… những khẩu hiệu, khẩu ngữ, biển báo được tuyên truyền, quảng bá trên mọi tuyến đường dưới nhiều hình thức khác nhau như lời nhắc nhở, cũng là lời cảnh báo với những người tham gia giao thông hãy chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ để đem lại an toàn cho chính mình, cho gia đình và toàn xã hội. Nhưng, TNGT vẫn là vấn đề nhức nhối và trở thành hiểm họa đối với bất kỳ ai khi tham gia giao thông. Những cái chết thương tâm, những di chứng do tai nạn để lại và những vết thương lòng không bao giờ lành vẫn tiếp diễn hàng ngày. Làm sao để giảm thiểu tối đa TNGT, làm sao để cho những con đường trở nên thông thoáng, không còn cảnh ùn tắc trong khói bụi? Câu trả lời chỉ có thể là đến bao giờ mọi người tham gia giao thông đều có ý thức chấp hành luật, "một người vì mọi người", hoà cái tôi cá nhân vào cái ta của cộng đồng thì lúc đó "hạnh phúc sẽ đến với mọi người và toàn xã hội". Bạn và tôi, hãy là người tham gia giao thông có văn hóa!
Để giảm thiểu tối đa TNGT, mọi người tham gia giao thông đều phải có ý thức chấp hành luật. Ảnh: Linh Anh |
Theo Ủy ban ATGT quốc gia: "Văn hóa giao thông là biểu hiện bằng hành vi ứng xử đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông". Như vậy, văn hóa giao thông được hiểu là sự ứng xử một cách có ý thức và có trách nhiệm của mọi thành viên trong xã hội khi tham gia giao thông hoặc tham gia vào những hoạt động có liên quan đến giao thông để lập nên một môi trường giao thông an toàn, văn minh thân thiện và hiệu quả. |