Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhìn “sao” Hàn, nghĩ về “sao”­­­ Việt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thời gian gần đây, hàng loạt "sao" điện ảnh Hàn Quốc "kéo" sang Việt Nam quảng bá phim, chụp ảnh quảng cáo. Fan hâm mộ lắm người phát "sốt" vì mong mỏi, đón chào. Nhưng cũng nhiều người nhìn thế mà ngậm ngùi nghĩ đến một thời điện ảnh Việt với một đội ngũ diễn viên "ngôi sao" không chỉ có "sức nặng" trong việc bán vé…

 Mỗi lần sao Hàn đến Việt Nam, fan hâm mộ lại tất bật chuẩn bị để chào đón. Mới đây nhất, Kim Bum - diễn viên từng nổi tiếng qua vai diễn trong "Vườn sao băng" - sang Việt Nam quảng bá cho phim "Bày tay ngoại cảm", fan hớn hở căng băng dron, khẩu hiệu chào đón tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh). Trong buổi ra mắt phim, fan trẻ tuổi còn chen lấn, xô đẩy để xin được chữ ký. Không rình rang, mà có phần "bí mật" khi sang Việt Nam chụp hình quảng cáo như nữ diễn viên, Hoa hậu Hàn Quốc năm 2000 Kim Sa Rang (từng được khán giả Việt biết đến qua phim "Khu vườn bí mật", "Chuyện tình vượt thời gian", "Cô thực tập quyến rũ"), thì fan hâm mộ cũng cố gắng tìm cách giáp mặt và "săn" cho được các bức ảnh chụp cùng thần tượng. Trường hợp của diễn viên Yoon Eun Hye cũng vậy, dù rất lặng lẽ, song nữ diễn viên nổi tiếng qua "Hoàng cung", "Tiệm cà phê Hoàng tử", "Tiểu thư", "Nhớ em", "Lời nói dối định mệnh" vẫn không lọt được khỏi vòng vây của fan hâm mộ Việt. Trước đó còn có cả chàng diễn viên Won Bin...
 
Nhìn “sao” Hàn, nghĩ về “sao”­­­ Việt - Ảnh 1
Diễn viên Việt Trinh

Nhìn những cảnh vây đón "sao" Hàn ấy, không ít người yêu điện ảnh Việt lại ngược chiều thời gian nhớ thời Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 10 tại Hải Phòng (năm 1993). Các ngôi sao điện ảnh Việt cũng được người hâm mộ chào đón, bao vây đến độ không thể ra khỏi khách sạn. Ây là một thế hệ diễn viên của cuối những năm 1980, đầu 1990 - có thể gọi là thời điểm bắt đầu của dòng phim giải trí - với Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Mộng Vân, Diễm My, Thu Hà… Những phim có họ diễn xuất khi mang ra chiếu rạp luôn "đắt khách", không chỉ ở các thành phố, thị xã mà còn gây sốt cả ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ai đó có thể lý giải rằng "bởi thời đó hiếm phim Việt, mà cũng ít phim ngoại nhập khẩu" nên diễn viên dễ được nhớ mặt ghi tên. Song nói một cách công bằng, chính sự "hiếm" ấy đã làm điện ảnh "đãi cát tìm vàng" để chọn diễn viên. Và những cái tên diễn viên Việt ấy hoàn toàn xứng đáng với danh xưng "ngôi sao điện ảnh", kể cả khi so sánh với những ngôi sao của điện ảnh xứ Kim chi. Có thể "hơi quá", song Lý Hùng một thời đã được người hâm mộ Việt đặt ngang với Thành Long của điện ảnh HongKong. Lê Tuấn Anh với vẻ lãng tử pha chút đàng điếm có thể xếp ngang hàng với hình tượng Lee Byung Hun của điện ảnh Hàn Quốc. Lê Công Tuấn Anh thì đắm đuối và đáng yêu với các mối tình trong phim khiến người ta nghĩ ngoài đời anh cũng vậy… Rồi Diễm My, Việt Trinh, Thu Hà, Diễm Hương, Mộng Vân, Thủy Tiên… - những mĩ nữ một thời của điện ảnh Việt cũng đâu thua kém các kiều nữ của điện ảnh Hàn bây giờ như Song Hye Kyo, Kim Tae Hee, Jun Ji Hyun, Cho Ji Woo, Lee Young Ae về ngoại hình và cả về chiều sâu diễn xuất…

Và không chỉ bó hẹp trong phạm vi phim ảnh, những ngôi sao của điện ảnh Việt khi đó còn có sức lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội. Cùng với phong trào ảnh lịch thời kỳ đó, tên tuổi và gương mặt của các diễn viên này đã quen thuộc với khán giả Việt từ thành thị tới nông thôn… Hình ảnh họ còn có mặt thường xuyên trên trang bìa của những cuốn sổ tay, đề can…

Nhìn lại điện ảnh Việt từ những cuộc ghé thăm của "sao" Hàn để thấy, phim Việt đã từng thắng thế trên sân nhà với hàng loạt thần tượng điện ảnh. Khi ấy mọi phương tiện phục vụ cho việc sản xuất phim không thể bằng bây giờ, nguồn diễn viên cũng vậy, vậy tại sao phim bây giờ không thể gom được cho mình những diễn viên có sức hút như thế? Màn bạc nhạt nhòa những cái tên đầy gượng gạo để gọi là "ngôi sao", các liên hoan phim không còn hấp dẫn cả giới trong nghề, nói gì đến chuyện người hâm mộ… Phải chăng dấu hỏi đang nằm ở chính cái tâm huyết mà người diễn viên dành cho điện ảnh?