Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng cũng không ngừng xây dựng và chỉnh đốn để hướng tới xây dựng một đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, đáp ứng được kỳ vọng và niềm tin của nhân dân.
Kỷ niệm ngày thành lập Đảng, ôn lại một chặng đường lịch sử, nhất là các cột mốc quan trọng để rút ra những bài học thực tiễn luôn luôn cần thiết, nhất là vào thời điểm chúng ta chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Nhân dịp này, Báo điện tử VOV (VOV.VN) tổ chức cuộc Tọa đàm với chủ đề “90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam: Thành tựu vĩ đại, sự nghiệp vẻ vang” với 2 vị khách mời là PGS-TS Nguyễn Viết Thảo - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và GS-TSKH Vũ Minh Giang- Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam.
Lửa thử vàng
PV: Thưa GS.TS Vũ Minh Giang, là một nhà sử học, ông nghĩ, 90 năm thành lập Đảng có ý nghĩa như thế nào trong chiều dài lịch sử Việt Nam?
GS.TS Vũ Minh Giang: Thường mỗi dịp kỷ niệm, tôi không chú ý nhiều lắm con số bao nhiêu năm mà lại nghĩ về những gì đã diễn ra trong một chặng đường như vậy. 90 năm qua, tôi tạm chia ra 4 mốc lớn, mỗi mốc trùng khít với 30 năm. Thứ nhất đương nhiên là Ngày thành lập Đảng (3/2), mốc thứ hai là năm 1960, sau 30 năm Đảng lãnh đạo dân tộc, giành được chính quyền (1945) đã khẳng định uy tín và vai trò lãnh đạo của mình đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đại hội Đảng lần thứ III năm 1960, lần đầu tiên Đảng tổ chức Đại hội của mình trong điều kiện hoà bình và mới có thời gian nghĩ tới chuyện phát triển đất nước, còn trước đó tất cả tâm sức dành vào việc giành chính quyền, chống ngoại xâm.
Một đảng chính trị không phải sinh ra, hoạt động chỉ chống ngoại xâm mà cái quan trọng nhất là đưa dân tộc tới một đỉnh cao. Chính vì vậy, mốc thứ hai là chúng ta tiếp tục sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, đồng thời xây dựng CNXH ở miền bắc. Từ 1960- 1990 là giai đoạn đầy chông gai, thử thách. Chúng ta vượt qua khó khăn vô cùng hiểm nghèo. Rất nhiều thành tựu thời gian này giúp Đảng trưởng thành.
Và tôi lấy mốc 1990 vì sau đó chúng ta không còn phe XHCN nữa, đến đây ta phải khẳng định Đảng đủ năng lực dẫn dắt dân tộc, đất nước đi lên, hội nhập với quốc tế. Và từ đó tới nay (30 năm), rõ ràng vai trò và vị thế quốc tế của Đảng ngày càng lớn mạnh. Rất mừng chúng ta được biết năm 2020, lần thứ 2 Việt Nam được bầu vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN.
Nhìn lại 90 năm tôi quan tâm nhiều hơn thành tựu đạt được của cả dân tộc mà ở đó Đảng đóng vai trò quyết định hơn là con số 90 hay bao nhiêu năm.
PV: Còn với PGS Nguyễn Viết Thảo, ông có chia sẻ gì về các dấu mốc trên? Ông chiêm nghiệm thế nào về quãng thời gian 90 năm tồn tại của Đảng?
PGS Nguyễn Viết Thảo: Đúng là sau 30 năm một, Đảng ta có những bước phát triển rất vượt bậc như GS Vũ Minh Giang vừa khái quát. Trên một phương diện khác, nếu chúng ta đặt 90 năm qua trong trường kỳ lịch sử dân tộc và trong quá trình cách mạng thế giới thì chúng ta tự hào khẳng định, qua 90 năm, Đảng ta có một pho lịch sử bằng vàng, thể hiện rõ Đảng với tư cách là đội tiên phong của công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc, là lực lượng mở đường cho dân tộc ta đi lên, đồng thời là đội tiên phong trong sự nghiệp cách mạng thế giới. Vai trò mở đường và tiên phong ấy thể hiện qua thành tựu rất vĩ đại của Đảng ta trong sứ mệnh lãnh đạo.
Với sự ra đời của Đảng vào mùa xuân năm 1930, đội ngũ Cộng sản Việt Nam với đội tiên phong của mình là Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấm dứt được thời kỳ khủng hoảng về đường lối chiến lược, con đường cứu nước. Chúng ta đã đưa ra đường lối duy nhất đúng đắn, phù hợp, kết hợp mục tiêu độc lập dân tộc với CNXH trong một quá trình cách mạng thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng.
15 năm sau, vào năm 1945, Đảng ta lãnh đạo thành công cuộc tổng khởi nghĩa và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới cho quốc gia dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc. Và cũng với thắng lợi năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam góp phần rất quan trọng vào giải quyết vấn đề dân tộc thuộc địa, cach mạng vô sản ở một thuộc địa – khi mà Cộng sản châu Âu không nhiều căn cứ thực tiễn và nhìn chung dừng lại ở những sơ thảo của Lenin khi ông nói về vấn đề thuộc địa.
Năm 1954 với chiến thắng Điện Biên phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, chúng ta thực sự châm lên bó đuốc giải phóng dân tộc. Sau đó hàng loạt quốc gia Á, Phi, Mỹ La tinh theo tinh thần Điện Biên Phủ vùng dậy chống thực dân đế quốc, vùng dậy đạp đổ chế độ thuộc địa mà thực dân đế quốc xây dựng ròng rã trong 500 năm.
Đến năm 1975, chúng ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước thì thể hiện một lần nữa “dân tộc không đông, không có tiềm lực kinh tế nhưng nếu biết đoàn kết, có chủ nghĩa anh hùng cách mạng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thì hoàn toàn có thể chiến thắng được thế lực đế quốc đầu sỏ nhất.
Cho đến nay, lịch sử thế giới chứng minh, quân và dân Việt Nam vẫn là lực lượng duy nhất đánh Mỹ và biết thắng quân đội viễn chinh của Mỹ, mở ra thời kỳ chống thực dân đế quốc, khẳng định độc lập chủ quyền của các quốc gia dân tộc trên thế giới. Đến mức các bạn suy tôn Việt Nam như là lương tâm, khí phách của thời đại.
Rồi 1990-1991, chúng ta không còn hệ thống XHCN, lâm vào khủng hoảng nặng nề cả lý luận và thực tiễn thì Đảng ta đã tìm được và biết cách làm thắng lợi, bảo vệ CNXH cả lý luận và thực tiễn, không phải bằng cách khăng khăng giữ lấy những giáo lý xơ cứng mà biết bảo vệ CNXH thông qua đổi mới một cách kiên định và sáng tạo. Chúng ta đã thành công, đất nước đã trụ vững, đổi mới và đi lên. Ra khỏi khủng hoảng 1996, đến 2010 thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, tức chấm dứt lịch sử nghèo đói đeo bám hàng nghìn năm để bước vào tư cách quốc gia có thu nhập trung bình. Chúng ta đẩy mạnh CNH, HĐH, tích cực hội nhập quốc tế như hôm nay chúng ta đã đạt được.
Rồi trong những năm vừa qua, chúng ta lại đạt nhiều thành tựu, để Việt Nam hiện nay trở thành bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Tôi cho rằng, đây là những cột mốc thể hiện Đảng ta đã tiên phong mở đường cho dân tộc ta đi lên, đồng thời góp phần rất to lớn, xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Cứng nhắc thì chắc chúng ta sụp đổ
PV: Như các vị vừa chia sẻ, trong 90 năm qua, có nhiều cột mốc quan trọng cho thấy vai trò mở đường và dẫn dắt của cách mạng Việt Nam, thấy được tầm vóc của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong những “dấu ấn vinh quang” của Đảng, không thể không nhắc tới Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986)- đại hội bước ngoặt để đưa đất nước bước sang một thời kỳ mới. Nhìn lại lịch sử, “Đổi mới” để lại cho chúng ta những bài học gì, thưa các vị khách mời?
GS.TS Vũ Minh Giang: Nói đến “Đổi mới” có lẽ ta đã có tổng kết 30 năm, rồi các cơ quan quan thông tấn đại chúng cũng có nhiều bài viết, công tình nghiên cứu. Riêng tôi muốn suy lắng một chút để nghĩ ra tổng kết cho riêng mình. Tất cả những gì nghiên cứu và công bố đã rất khoa học và chính xác, nhưng cốt lõi của thành công ở tư tưởng rất lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi quyết định đưa Chủ nghĩa Mác - Lênin và sau đó là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam đã lấy lợi ích của dân tộc làm đích lớn nhất. Chủ nghĩa nhiều vô cùng, cái nào cũng có sự hợp lý của nó nhưng cuối cùng lý thuyết nào, chủ nghĩa nào có lợi cho dân tộc Việt Nam thì ta phải theo tư tưởng đó để đưa cách mạng đi lên.
Nói đến “Đổi mới” cũng bắt đầu từ sự trăn trở trước vận mệnh dân tộc, trước nguy cơ sụp đổ, trước khó khăn của người dân đã nảy ra tư tưởng đổi mới.
Thứ hai, Việt Nam có nền văn hoá lâu đời, thần thái văn hoá Việt Nam giúp dân tộc vượt qua mọi thử thách hiểm nghèo, theo tôi ghĩ, với tư cách nghiên cứu có 2 điều quan trọng: Đó là ý chí độc lập dân tộc nên không phải ngẫu nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói một câu: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Độc lập dân tộc thôi thúc tạo nên bản sắc văn hoá Việt Nam. Thứ hai là khả năng linh hoạt mềm dẻo của dân tộc ở địa chiến lược luôn luôn phải đối phó với khó khăn, thiên tai địch hoạ. Hai tố chất này chúng ta phát huy được trong thời kỳ đổi mới. PGS Nguyễn Viết Thảo vừa nói, nếu chúng ta cứng nhắc thì chắc chúng ta cũng sụp đổ rồi. Không có sự linh hoạt, quyền biến trong điều hành thì làm sao vượt qua khó khăn. Tôi nghĩ lúc đó, ở đâu đó trên thế giới, họ đang chờ ngày Việt Nam sụp đổ nhưng không xảy ra.
PV: Điều GS.TS Vũ Minh Giang vừa chia sẻ làm tôi nhớ đến câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Có lẽ điều này giúp chúng ta vượt qua những giai đoạn khủng hoảng, khó khăn nhất, thưa PGS Nguyễn Việt Thảo?
PGS Nguyễn Viết Thảo: Vâng, đúng như vậy. Khi bước vào “Đổi mới”, không chỉ riêng chúng ta mà các lực lượng XHCN trên thế giới đang lâm vào khủng hoảng nặng nề. Tôi cũng xin nói thêm, cả phía CNTB ngày ấy cũng gặp nhiều khó khăn nên cả hai nửa của thế giới đều tìm cách cải cách, đổi mới để phát triển.
Chúng ta tiến hành đổi mới, Trung Quốc trước đó cải cách mở cửa, ở các nước Liên Xô và XHCN Đông Âu cũ thì cũng tiến hành cải tổ. Các nước khác cũng tiến hành cải cách. Nhưng như ta biết, kết quả và số phận cải cách rất khác nhau. Có nơi thất bại tan nát, đổ vỡ hoàn toàn, có nơi thành công. Như thế, vấn đề là “Đổi mới” như thế nào. Tôi đồng tình với GS Vũ Minh Giang, ta thành công vì vừa kiên định, vừa sáng tạo. Ta biết giữ vững những mục tiêu, lý tưởng, đặc biệt là mục tiêu cuối cùng. Nhưng linh hoạt, sáng tạo, mềm dẻo, “ứng vạn biến” trong đường đi nước bước, trong giải pháp, biện pháp. Chính vì thế, không chỉ vượt qua thử thách của lịch sử mà còn đổi mới đúng đắn, đi lên bền vững. Đây là bài học đắt giá nhất: Vừa kiên định vừa sáng tạo.
Thêm bài học nữa, thông qua hơn 30 năm đổi mới và 90 năm lịch sử vinh quang của Đảng là trong mọi tình huống phải xây dựng được đội tiền phong chính trị ngang tầm, tức là Đảng CSVN, thực sự là bộ tham mưu chiến đấu có tổ chức, thực sự là đạo đức, là văn minh, là con nòi của dân tộc Việt Nam.
PV: Thưa GS Vũ Minh Giang, ông có chia sẻ gì về những tổng kết trên?
GS.TS Vũ Minh Giang: Tôi nghĩ ý kiến của PGS Nguyễn Viết Thảo hoàn toàn phù hợp với những gì ta đã nghiên cứu, khái quát, tổng kết trong chặng đường vừa qua.
Tôi muốn nói thêm: Khi chúng ta vươn lên để vượt qua chính mình đòi hỏi phẩm chất dũng cảm. Đảng chính trị không dám nhìn vào sai lầm, khuyết điểm của mình thì không trông chờ gì sự đổi mới, phát triển thực sự. Khó khăn có khách quan, nhưng nhiều khó khăn do chủ quan, do sai lầm chúng ta phạm phải. Sai lầm có thể do nhận thức, ấu trĩ mà ta chưa trải qua, có sai lầm do duy ý chí bị “trừng trị” bởi quy luật khách quan do không phù hợp.
Do đó, phải có có bản lĩnh, phẩm chất rất dũng cảm nhìn vào sai lầm, hạn chế để khắc phục, vượt qua thì mới có thành công như thời gian vừa qua
PV: Thưa PGS Nguyễn Viết Thảo, khi tổng kết Đổi mới, chúng ta có nhấn mạnh những cái chủ quan du ý chí trong thời kỳ đó hay không?
PGS Nguyễn Viết Thảo: Chúng ta từng vạch ra một trong những căn bệnh, khuyết điểm, yếu kém là Chủ quan duy ý chí, bất chấp quy luật khách quan và điều kiện thực tế. Quá trình đổi mới hơn 30 năm qua, trên một phương diện rất lớn là quá trình khắc phục căn bệnh này để trở về với quy luật khách quan, đời sống hiện thực và lợi ích của nhân dân.
PV: Vâng xin cảm ơn ông!/.