Khi điện về làng
Từ trụ sở UBND xã Yên Trung, theo đường bê tông uốn lượn quanh các sườn đồi chừng hơn một cây số là tới thôn Hội. Gần cổng thôn, cửa hàng xát gạo của gia đình anh Nguyễn Văn Tám rất đông khách. Anh Tám cho biết, trước khi sáp nhập về Hà Nội, đường điện do các hộ dân kéo về chỉ đủ thắp sáng nên bà con phải đi 2 - 3 cây số để xát gạo. Chính vì vậy, ngay sau khi được Thành phố xây dựng lưới điện, anh đã đầu tư 20 triệu đồng mua máy xát. Đến nay, bình quân mỗi ngày xát khoảng 400 - 500kg thóc, tiền công thu về khoảng 100.000 đồng. Gia đình anh còn nuôi thêm 20 - 30 con lợn/lứa, tổng thu nhập đạt 100 triệu đồng/năm.
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Trưởng thôn Hội, trước kia, có một nhóm hộ thầu điện kéo về bán cho người dân với giá 1.500 đồng/số, cao gấp 2 lần so với mức giá phổ thông lúc bấy giờ, nhưng vẫn không đủ phục vụ sinh hoạt, nên nhiều hộ xa khu dân cư vẫn phải dùng đèn dầu. Từ khi hòa vào lưới điện quốc gia, trong thôn đã có 2 hộ gia đình đứng ra kinh doanh xay xát gạo và 1 hộ mở xưởng chế biến gỗ. Cả thôn 114 hộ đều đã có ti vi, xe máy.
Rời thôn Hội, chúng tôi đến thôn Hương, một trong hai thôn có điện cuối cùng của xã Yên Trung. Chị Đinh Thị Minh, người dân trong thôn không giấu nổi sự xúc động: "Có điện về mọi sinh hoạt, hoạt động sản xuất đều thuận tiện hơn rất nhiều". Nhà chị Minh đã có khá đầy đủ các thiết bị sinh hoạt như nồi cơm điện, ti vi, tủ lạnh, quạt, máy bơm nước... Chị Minh cho biết: Trước đây, nhà nào đều phải dùng nước giếng khơi, sau khi có điện, mỗi nhà đều khoan giếng lắp đặt máy bơm, xây bể trữ nước. Không những thế, bà con còn được xem tivi, nghe đài để nắm bắt thông tin và nâng cao đời sống tinh thần.
Theo ông Nguyễn Văn Định, Trưởng thôn Hương, nhờ sự quan tâm đầu tư của Thành phố, đời sống của bà con nhân dân nơi đây đã được nâng lên rõ rệt. Trước kia, thôn không có trường mầm non, các cháu nhỏ phải đi nơi khác học nhờ. Buổi tối, học sinh phải thắp đèn dầu học bài. Nhưng nay, đã có hệ thống đèn điện chiếu sáng của trường đã được đảm bảo giúp 100% học sinh trong độ tuổi được đến trường. Đặc biệt, thôn Hương hiện đã có 4 em học sinh đang theo học các trường cao đẳng, đại học, điều mà trước đây chưa từng có.
Nhờ có điện, anh Tám đã mở được quán xay xát gạo.
Đời sống ngày càng nâng lên
Đại diện lãnh đạo UBND xã Yên Trung cho hay, thời điểm trước tháng 8/2008, cả xã chỉ có 2km đường dây điện, chủ yếu ở khu trung tâm. Sau gần 2 tháng về Thủ đô, 100% hộ gia đình đã được sử dụng. Hệ thống điện ổn định đã tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình. Đến nay, toàn xã có 11 hộ làm dịch vụ tiểu thủ công nghiệp, 52 hộ làm dịch vụ thương mại, 12 hộ dịch vụ vận tải... tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. 5 tháng đầu năm 2012, doanh thu của các cơ sở này đạt trên 2 tỷ đồng.
Đặc biệt, cùng với hệ thống kênh mương được cứng hóa, hệ thống điện đã giúp vận hành tốt trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ những chuyển biến trong sản xuất, thu nhập của người dân xã Yên Trung đã được nâng lên, hiện đạt 13 triệu đồng/người/năm, cao hơn 8 triệu đồng so với năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 11,7% (năm 2008 là 18,3%). Đến nay, toàn bộ hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế của xã đều được cải tạo hoặc đầu tư xây dựng mới. Hiện xã không còn tình trạng học 3 ca, Trạm Y tế xã được nâng cấp, làm mới đạt chuẩn quốc gia. Đời sống nhân dân ổn định, không có tệ nạn xã hội, trên 85% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh...
"Trước đây, diện tích gieo trồng chỉ đạt 80% do thiếu nước, đến nay, đã đạt 100%. Không những thế, năng suất lúa tăng từ 45 - 48 tạ/ha lên 53 - 55 tạ/ha. Nguồn điện còn tạo điều kiện cho các hộ dân mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện toàn xã có khoảng 20% số hộ chăn nuôi quy mô lớn đạt 100 con trở lên" . Ông Đinh Quang Tho, Bí thư Đảng ủy xã Yên Trung |