Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

NHNN quản lý thị trường vàng theo đúng quy định

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức bán vàng miếng can thiệp thị trường vàng theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Nguồn vàng bán can thiệp của Ngân hàng Nhà nước là dự trữ ngoại hối Nhà nước, không liên quan đến vàng tạm xuất, tái nhập.

Ngân hàng Nhà nước vừa phát đi thông báo và khẳng định số vàng dùng cho 11 phiên đấu thầu vừa qua được trích từ dự trữ ngoại hối quốc gia, nhằm thực hiện mục tiêu can thiệp, bình ổn thị trường.

Trong thời gian qua, dư luận xôn xao về việc Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 11 phiên đấu thầu vàng và đã bán ra tổng cộng 315.000 lượng vàng, tương đương gần 12,1 tấn. Tuy nhiên, nhiều người hy vọng là sau khi đấu thầu thì chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ xích lại gần nhau nhưng khoảng cách này lại càng ngày càng xa.
 
NHNN quản lý thị trường vàng theo đúng quy định - Ảnh 1
 

Ảnh minh họa. (Nguồn: SJC).

Mặc dù giá vàng trên thế giảm mạnh từ khoảng 1.600 USD/ounce (28/3) xuống còn 1.435,06 USD/ounce (25/4) nhưng thị trường vàng trong nước lại giảm rất nhỏ giọt từ 43,48 xuống còn 42,3 triệu đồng/lượng.

Như vậy, tính từ phiên đấu thầu đầu tiên ngày 28/3, từ mức chênh lệch khoảng 3 triệu đồng/lượng thì sau gần một tháng với lượng cung ứng ra thị trường gần 12,1 tấn vàng thì giá vàng SJC lại nâng khoảng cách với thế giới gấp hai lần.

Trước tình hình trên, ngày 24/04, một nguồn thông tin cho rằng “các chính sách xuất – nhập và cuộc chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC trong thời gian qua hé lộ khả năng đã có tình trạng trục lợi chính sách để 'rửa' số lượng vàng lậu khổng lồ đã tràn vào Việt Nam” và “hợp pháp hóa vàng lậu.”

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hàng năm, Hội đồng Vàng Thế giới tổ chức các cuộc khảo sát tại các quốc gia để gặp gỡ các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các chuyên gia để trao đổi, đưa ra các nhận định về nhu cầu vàng của các quốc gia.

Trên cơ sở đó, Hội đồng đưa ra con số ước tính về nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại các quốc gia, bao gồm nhu cầu vàng trang sức, nhu cầu vàng đầu tư.

Như vậy, số liệu về nhu cầu vàng của Việt Nam nêu trong báo cáo thường niên của Hội đồng Vàng Thế giới là con số dự tính nhu cầu vàng của Việt Nam; hoàn toàn không phải là số liệu về số lượng vàng nhập khẩu hàng năm của Việt Nam.

Do vậy, việc sử dụng số liệu về nhu cầu vàng năm 2011, 2012 của người tiêu dùng Việt Nam do Hội đồng Vàng Thế giới ước tính để cho rằng đây là số lượng vàng nhập lậu vào Việt Nam là sự nhầm lẫn nghiêm trọng, làm sai lệch bản chất của số liệu trích dẫn.

Liên quan đến chủ trương tạm nhập, tái xuất, Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc cho phép thực hiện tạm xuất vàng miếng phi SJC và tái nhập vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế với khối lượng xuất khẩu bằng khối lượng nhập khẩu nhằm đẩy nhanh tiến độ kiểm định, gia công vàng miếng phi SJC thành vàng SJC theo đúng quy định của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Chính phủ trước khi thực hiện.

Toàn bộ khối lượng vàng phi SJC tạm xuất là vàng miếng đang được lưu thông hợp pháp trên thị trường và chủ yếu thuộc sở hữu hợp pháp của người dân đang gửi tại tổ chức tín dụng. Quy trình tạm xuất, tái nhập được Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện, giám sát chặt chẽ, có kiểm tra tồn quỹ trước khi xuất khẩu. Việc tạm xuất, tái nhập đã hoàn thành vào ngày 31/3/2013.

Do vậy, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, những thông tin cho rằng, việc cho rằng chủ trương tạm xuất, tái nhập này để nhằm hợp pháp hóa vàng nhập lậu là hoàn toàn không có căn cứ, cố ý bóp méo chính sách của Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định mạnh mẽ rằng, trong thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện công tác quản lý thị trường vàng theo đúng các quy định của pháp luật./.