Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhỏ nhẹ nhắc nhau

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng Bảy, những đoàn người hành hương lại nối nhau về miền Trung. Ngã ba Đồng Lộc, Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hang Tám cô rồi các Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đường 9, Thành Cổ Quảng Trị… luôn ngan ngát khói hương tưởng nhớ anh linh những người con đã hiến dâng đời mình cho độc lập, tự do và thống nhất đất nước.

Trong dòng người đổ về những địa danh linh thiêng trải dài trên một dải miền Trung thân thương, có đoàn cựu chiến binh dù tuổi tác già nua, vẻ phong trần in trên nét mặt vẫn quân phục chỉnh tề, đội ngũ trang nghiêm, nhắc nhau đi nhẹ, nói khẽ như sợ làm kinh động giấc ngủ ngàn thu của những đồng đội yêu thương. Cũng có những đoàn cán bộ, nhân viên của một cơ quan, đơn vị trong hành trình về nguồn, cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng của cha anh mà nguyện sống, làm việc sao cho tốt hơn, xứng đáng với sự hi sinh của lớp người đi trước. Lại có những cựu chiến binh, mái đầu đã bạc, đưa cả gia đình ba, bốn thế hệ đến thắp hương cho đồng đội một thời vào sinh ra tử, đặng dạy cho con cháu biết trân trọng những điều quý giá của cuộc sống hòa bình hôm nay mà bao người đã phải hy sinh xương máu mới có được.
Từ những người lính già đến những đứa trẻ sinh ra trong hòa bình, phàm đã đến đây đều mang tâm nguyện tưởng nhớ những người đã nằm xuống, nhớ về những hi sinh thầm lặng mà thiêng liêng của các anh hùng, liệt sĩ, để sống tốt hơn, trân trọng hơn những gì mà cuộc sống hôm nay trao tặng. Trong dòng người hành hương những ngày tháng Bảy - tháng tri ân các Anh hùng liệt sĩ, có rất nhiều người đến từ Hà Nội. Bởi một lẽ, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là trong mùa Hè đỏ lửa năm 1972, biết bao người con Hà Nội đã chiến đấu, hi sinh và nằm lại mảnh đất này.
 Hình minh họa.
Hòa trong dòng người hành hương qua các địa danh lịch sử, chứng kiến những tình cảm thành kính, thái độ chân thành của bao con người, dù tuổi tác, địa vị khác nhau, tất thảy đều chung một niềm tri ân sâu sắc những người con đã hi sinh vì đất nước mà thấy ấm lòng và được an ủi phần nào khi nghĩ về những đồng đội đã mãi mãi tuổi 20. Và những hình ảnh đầy xúc động ấy cũng làm trào dâng một xúc cảm thiêng liêng, một niềm tin chắc chắn rằng những ai, dù chỉ một lần đến đây sẽ thêm tin tưởng vào những điều tốt đẹp, thêm trân trọng cuộc sống như một sự thanh khiết hóa tâm hồn.
Cảm xúc thiêng liêng ấy sẽ là trọn vẹn nếu như không gợn chút suy nghĩ muốn chia sẻ. Ai cũng biết dải đất miền Trung, chỗ được ví như chiếc đòn gánh trĩu nặng hai đầu đất nước, dù trải bao năm chiến tranh cũng vẫn là nơi thu hút đông khách du lịch với những bãi biển nổi tiếng như Nhật Lệ, Cửa Tùng, Cửa Việt, xa hơn một chút là Lăng Cô, rồi những vùng du lịch hấp dẫn như Huế, Đà Nẵng, Hội An… Rất dễ hiểu là vì vậy nhiều đoàn khách trong hành trình của mình thường kết hợp du lịch, tắm biển, thăm những cảnh đẹp với việc viếng thăm những địa chỉ linh thiêng gắn bó với lịch sử hào hùng của đất nước. Chính người dân Quảng Trị cũng coi du lịch tâm linh là một trong những hướng đi để phát triển kinh tế. Điều đó hoàn toàn hợp lý. Song có lẽ cũng chính vì vậy mà không ít đoàn khách, phải chăng là do nhận thức chưa thấu đáo, nên dù đến những địa danh trên với tấm lòng thành kính, nhưng trang phục, hành vi đôi khi chưa phù hợp. Những đoàn khách ấy rất dễ nhận biết với nam giới đa số quần soóc, áo phông, kính mát, dép lê. Phụ nữ, nhất là các bạn trẻ thường diện những bộ đồ chỉ thích hợp cho lúc đi du lịch, đôi khi quá diêm dúa… Các thành viên, có lẽ là vẫn trong tâm thế của một chuyến du lịch vui vẻ, dẫn đến những ứng xử không phù hợp, thậm chí tạo dáng chụp hình trước đài tưởng niệm liệt sĩ. Và đặc biệt là các cháu nhỏ, nhiều lúc nói cười vô tư ngay ở những nơi hành lễ mà không được người lớn nhắc nhở… Có lẽ, cách ứng xử, ăn mặc trên sẽ không diễn ra nếu ban quản lý các địa điểm nói trên có sự nhắc nhở cụ thể, thường xuyên, kịp thời. Ví dụ như ở Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các chiến sĩ của đơn vị làm nhiệm vụ ở đây thường xuyên gọi loa nhắc khách hành hương bỏ túi xách, chai nước lại xe, không đeo kính mát khi hành lễ… Sự nhắc nhở đó góp phần làm không khí nơi hành lễ thêm trang trọng, đúng như nó cần phải như thế!
Nói thì nói vậy, nhưng khi chứng kiến những điều kể trên vẫn cứ mong sao không phải đợi đến sự nhắc nhở nào đó. Mong sao mỗi người khi hành hương về những địa chỉ linh thiêng đều chuẩn bị cho mình một tâm thế cùng cách ăn mặc phù hợp. Điều đó là cần thiết. Bởi dù bạn đang trong một kỳ nghỉ với tâm thế thoải mái bao nhiêu, thì mỗi hoạt động trong cả một hành trình cũng có sự đòi hỏi một tâm thế riêng. Chọn được cho mình một trang phục và cách ứng xử cho phù hợp với hoàn cảnh cũng là một nét đẹp của văn hóa.
Lặng ngắm những gương mặt thành kính, những cặp mắt ngấn lệ, thêm hiểu và tin rằng mỗi người khi đến thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đều tràn đầy tự hào, lòng cảm phục, biết ơn, một tình cảm xuất phát từ tấm lòng và trái tim. Cũng vì biết như vậy, nên đề cập đến những hiện tượng nêu trên người viết bài này hoàn toàn không có ý chê trách, mà chỉ mong muốn gửi đi một lời nhắc. Chúng ta nhỏ nhẹ nhắc nhau để những cuộc hành hương về những địa chỉ linh thiêng thêm trọn vẹn nghĩa tình!