Vụ việc xảy ra chỉ một tuần sau 2 vụ khác khiến 450 người thiệt mạng đã phát đi cảnh báo về những nguy cơ và hệ lụy của làn sóng nhập cư trái phép vào châu Âu.
Xung đột leo thang, bất ổn về chính trị và điều kiện sống ngặt nghèo trong vài năm qua đã khiến dòng người từ Trung Đông, Bắc Phi ồ ạt đổ về châu Âu theo mọi cách, mọi phương thức, trong đó chủ yếu là qua đường biển. Mang theo hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, những con người khốn khổ bán hết đất đai, tài sản, bất chấp hiểm nguy, mạo hiểm cả tính mạng để được lên tàu. Chỉ có điều, không phải lúc nào ước mơ mong manh của họ cũng trở thành hiện thực. Trong số hàng chục ngàn người di cư liều mạng trên “những con tàu ma” vượt Địa Trung Hải để đến Italia, Malta, Hy Lạp năm ngoái, đã có 3.224 người thiệt mạng trước khi đến được với đất liền. Con số người di cư thiệt mạng sau hải trình đói khát, bệnh tật hay chết chìm trong vùng biển ngoài khơi Italia từ đầu năm đến nay đã lên tới 1.500 người, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Những số liệu thảm khốc này dường như không dập tắt được niềm hy vọng của những người nuôi mộng được nhập cư vào châu Âu. Chỉ tính riêng tuần trước, chính quyền Italia đã tiếp nhận 10.000 người nhập cư trái phép bằng đường biển, con số cao kỷ lục từ trước đến nay, trong khi các lực lượng của nước này đã cứu 24.000 người di cư lênh đênh trên biển. Đứng trước nguy cơ trong năm 2015 phải tiếp nhận khoảng 250.000 người nhập cư trái phép bằng đường biển và số người thiệt mạng vì giấc mộng đổi đời ngày càng nhiều, chính phủ Italia đã buộc phải kêu gọi sự hỗ trợ từ Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng Italia cho rằng, EU không nên bỏ mặc Rome đơn độc đối phó với cuộc khủng hoảng di cư tại Địa Trung Hải đang ngày càng trầm trọng trong thời gian qua. Italia đã phải kết thúc chương trình tìm kiếm và cứu nạn người nhập cư trái phép mang tên Mare Nostrum do gánh nặng chi phí cũng như sự chỉ trích từ một số người cho rằng, nỗ lực đã góp phần khuyến khích người nhập cư. Tuy nhiên, sau khi số người di cư thiệt mạng tại vùng biển của Italia tăng nhanh từ cuối năm 2013, chương trình tìm kiếm và cứu nạn người nhập cư đã được tái khởi động với một quy mô và vùng tìm kiếm hạn chế hơn so với Mare Nostrum.
Sự chậm trễ, thiếu hành động quyết đoán và cụ thể của EU trong việc hỗ trợ Italia, Malta đương đầu với các thảm họa nhân đạo liên quan người nhập cư đã gây nên không ít sự bất bình trong cộng đồng quốc tế. Nhằm xoa dịu sức ép này, các Ngoại trưởng EU đã nhóm họp khẩn cấp ở Luxembourg hôm 20/4 với mục tiêu tìm giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay. Trước đó, đại diện Ủy ban châu Âu cũng cho biết đang chuẩn bị chiến lược mới về vấn đề nhập cư để thông qua vào tháng 5 tới. Bên cạnh chiến lược mới, EU sẽ làm việc với nước thứ ba để ngăn chặn làn sóng người nhập cư tràn vào khu vực này. Những nỗ lực của chính phủ Italia thời gian qua trong việc cứu hộ, tìm kiếm người bị nạn trên biển được đánh giá cao, chính sách của EU trong tương lai cũng được kỳ vọng sẽ làm giảm nhiệt cuộc khủng hoảng nhập cư. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, chừng nào xung đột, chiến tranh chưa chấm dứt tại Trung Đông, Bắc Phi thì hình ảnh những “con tàu ma” lênh đênh trên biển với nguy cơ nhấn chìm hàng trăm người nhập cư vẫn tiếp tục là nỗi ám ảnh với châu Âu và toàn thế giới.
Nhân viên Hội Chữ thập đỏ Italia hướng dẫn cho người di cư bị đắm tàu đến một trạm y tế tại cảng Augusta, ở Sicily, ngày 16/4. Ảnh: AP
|