Trong 6 tháng đầu năm 2012, thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tiến hành 3 cuộc thanh tra, xử phạt 2 công ty có hành vi vi phạm luật (nhận in sản phẩm không có hợp đồng) mỗi công ty 15 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tang vật, trị giá 450 triệu đồng. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng đã tiến hành tổ chức tiêu hủy 5.200 kg xuất bản phẩm vi phạm quy định về xuất bản, in, gia công sau in và xuất bản phẩm lưu hành không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục cho biết, thực tế kiểm tra thì ở điểm nào cũng có sách lậu và tình trạng này hết sức trầm trọng. Tuy nhiên, hành vi buôn, bán sách lậu muốn triệt được tận gốc cần phải có sự phối hợp của chủ thể sở hữu với các cơ quan chức năng.
Khó phân biệt sách thật và sách giả. Ảnh: soha.vn
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc công ty sách Thái Hà đưa ra trước hội nghị nhiều cuốn sách giả với kích thước, giá cả, chất lượng khác xa sách thật, tên cuốn sách còn bị in thiếu. Ví dụ như cuốn sách "Sống như Tiểu Cường" được in lậu thành "Sống Tiểu Cường".“Công ty sách Thái Hà cũng đã bị làm lậu, cuốn sách lậu đáng nhớ nhất là “Tôi là con gái của mẹ tôi” bị in lậu dịp 8/3/2008. Gần 10 ngàn bản được bán ra…đa phần là sách lậu”, ông Hùng cho biết.
Ông Phạm Trung Thông, Trưởng phòng Quản lý in, Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổ trưởng thường trực Đoàn thanh tra liên ngành phòng chống in lậu Trung ương thừa nhận, hoạt động in đang diễn biến hết sức phức tạp, nạn in lậu, in giả vẫn gia tăng khó kiểm soát nhưng công tác quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn, thậm chí là "bất lực". Nguyên nhân được cho là thể chế quản lý không thống nhất, thiếu phối hợp với các cơ quan chức năng, thanh tra kiểm tra hiệu quả không cao vì chủ yếu theo kế hoạch, ít có thông tin để kiểm tra đột xuất. Đặc biệt, chế tài xử lý không đủ mạnh, thậm chí khung hình phạt xử lý vi phạm hành chính cao nhất là 40 triệu, xử lý hình sự cao nhất là một năm nên không đủ sức răn đe.
Ông Thông cho rằng, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và có quy định để “khoanh vùng” phạm vi hoạt động cho các nhà xuất bản không thể tràn lan ở nhiều lĩnh vực như hiện nay đồng thời nâng mức xử phạt đủ sức răn đe tạo điều kiện cho công tác thanh tra, kiểm tra có hiệu quả.
Lãnh đạo Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm sẽ thành lập nhiều đoàn liên ngành để kiểm tra và chấn chỉnh các cơ sở in cũng như cửa hàng bán sách trên địa bàn. Tuy nhiên, đây mới chỉ giải quyết được tầm ngọn, còn 2/3 cơ sở in công nghiệp và khoảng 10.000 cơ sở in lưới vẫn chưa có luật điều chỉnh thì xem ra hoạt động buôn bán sách lậu sẽ tiếp tục là vấn đề nhức nhối.
Đánh giá về thực trạng hoạt động in trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Văn Minh - Chánh Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông cho biết, hiện nay có trên 400 cơ sở in sử dụng thiết bị in công nghiệp, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành như Đống Đa (72 cơ sở in), Thanh Xuân (72 cơ sở in)…Trước năm 2004 cả nước có hơn 160 cơ sở in đều thuộc sở hữu nhà nước, nhưng sau 8 năm đã lên tới gần 1.500 cơ sở in công nghiệp. Trong số đó chỉ có 1/3 chịu sự điều chỉnh, kiểm soát của Luật Xuất Bản và Nghị định 105/CP, còn lại gần 2/3 cơ sở cộng với khoảng 10.000 cơ sở in lưới, in quảng cáo, photocopy không có khung pháp lý điều chỉnh, tức là không chịu bất cứ sự điều chỉnh nào của pháp luật chuyên ngành, nên họ mặc nhiên hiểu không ai quản lý, tự do hoạt động.