Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhức nhối với vấn nạn tín dụng đen dịp gần Tết Mậu Tuất 2018

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với thủ tục nhanh chóng, chỉ cần hồ sơ gốc mà không cần công chứng của chính quyền địa phương, người dân sẽ có ngay khoản tiền vay trong ngày. Đánh vào thời điểm cần vốn cho hoạt động tiêu dùng dịp cuối năm, càng gần Tết Mậu Tuất 2018, dịch vụ cho vay “ngoài” càng phát triển mạnh.

 Càng gần Tết, dịch vụ cho vay “ngoài” phát triển mạnh. Ảnh: Nguyễn Tuyền.
Chấp nhận vay lãi cao để mua sắm Tết
Đường Láng (Đống Đa) những ngày giáp Tết tấp nập khách ra vào các tiệm cầm đồ. Sinh viên Nguyễn Minh Long cho biết, vừa "cắm" chiếc laptop để vay 3 triệu đồng với lãi suất 1.500 đồng/triệu đồng/ngày. “Do đang nợ bạn bè ít tiền mà sắp đến kỳ nghỉ Tết phải trả gấp, nên đành ra đây cầm tạm chiếc laptop lấy tiền để trả nợ” - Long cho biết. Chủ một cửa hiệu cầm đồ cho biết: Thông thường thời điểm này hàng năm, lượng khách tới cầm đồ hoặc chuộc đồ rất đông. Song song với cho vay, các tiệm cầm đồ cũng tiến hành thanh lý cầm cố.

Đường Lương Thế Vinh (Thanh Xuân, Hà Nội) dài vài trăm mét nhưng có đến hàng chục cửa hiệu cầm đồ phục vụ chủ yếu đối tượng là học sinh sinh viên các trường đại học xung quanh. Đồ thế chấp là điện thoại, xe máy, laptop… Thậm chí chỉ cần một tấm thẻ sinh viên kèm theo chứng minh Nhân dân là có thể vay một khoản tiền dễ dàng với lãi suất cắt cổ có thể lên tới 3.000 – 4.000 đồng/triệu đồng/ngày.

Không chỉ gần trường học, làng sinh viên mà tại các khu công nghiệp, chợ… xuất hiện nhan nhản rao vặt quảng cáo “Cho vay tín chấp không cần thế chấp, thủ tục nhanh gọn”; “Hỗ trợ tài chính, cho vay trả góp trong 100 ngày”; “cho vay tiêu dùng, tiền tiêu Tết”… Anh Nguyễn Hùng ở khu công nghiệp Vĩnh Hưng (Hai Bà Trưng) cho hay, năm nay, kết quả làm ăn của công ty không tốt nên chỉ được thưởng nửa tháng lương (2,5 triệu đồng) không đủ tiền về quê ăn Tết nên buộc anh phải vay.

Trong khi đó, tại các chợ, qua tìm hiểu được biết, tiểu thương vay vốn của các đầu nậu với mức lãi suất mỗi tháng 2 - 2,5%/tháng (tương đương 18 - 24%/năm, gấp 2 lần so với lãi suất ngân hàng) nhưng thời điểm giáp Tết, những người cho vay đã chuyển hướng từ cho vay theo tháng sang dạng cho vay ngày để tiền không bị mất giá mà lãi suất cao hơn. Với những khoản cầm cố lớn hơn hoặc vay nóng, cần tiền trong ngày, có khách hàng còn mang cả sổ đỏ bản gốc để vay món hơn 1 tỷ đồng, người cầm cố phải trả số lãi ít nhất 30 triệu đồng/tháng và càng gần Tết tiền lãi càng cao.

Đòi nợ kiểu “xã hội đen”

Theo Công an TP Hà Nội, trước và sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, nhiều người vì gia cảnh khó khăn, gánh nợ cuối năm phải trả hay người có máu đỏ đen cờ bạc… do không có tài sản đảm bảo, không vay được từ ngân hàng đã tìm đến tín dụng đen. Nhiều người khi vay còn mơ hồ về lãi suất, đến lúc chậm trả, lãi mẹ đẻ lãi con. Đây chính là lý do nhiều người kiệt quệ, phá sản vì trót nhẹ dạ vay tín dụng đen. Khi các con nợ mất khả năng thanh toán, chủ nợ bắt đầu đe dọa, cưỡng chế tài sản. Đơn giản thì gọi điện thoại đe dọa, thúc ép đòi tiền. Liều lĩnh hơn thì thuê côn đồ ném chất bẩn vào nhà; tổ chức bắt cóc, bắt giữ người trái pháp luật, đánh người gây thương tích.

Luật sư Nguyễn Quốc Hùng (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, Điều 468 (Bộ Luật Dân sự hiện hành 2015) quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (trừ trường hợp khác do luật liên quan quy định). Nếu các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp thì lãi suất được xác định bằng 50% mức giới hạn nêu trên. Tuy nhiên, với các công ty tài chính mạo danh không thuộc quản lý của NHNN lãi suất vay rất cao.

Thậm chí, có nhiều hình thức “lách” bằng cách cho vay nặng lãi như cho vay 1 triệu đồng nhưng chỉ đưa 800.000 đồng, cho vay theo hình thức viết giấy tờ mua bán, không ghi lãi suất... Vì vậy, theo luật sư Nguyễn Quốc Hùng, khách hàng cẩn tỉnh táo đừng ham được vay tiền quá dễ mà tự mình biến thành con nợ gánh lãi suất cắt cổ. Để tránh thiệt hại, khách hàng vay vốn chỉ nên vay qua các công ty tài chính qua số tổng đài, truy cập website chính thức hoặc đến trụ sở chính của các công ty, đồng thời kiểm tra hợp đồng kỹ lưỡng.