Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo với 10 “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2012.Ảnh: Thanh Hải
Đây không chỉ là ngày hội tôn vinh những tập thể, cá nhân đã có những đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô mà còn là dịp để mỗi người tự nhắc nhở về trách nhiệm công dân của mình, cùng nhau xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.
Nổi bật trong rừng hoa "Người tốt việc tốt" năm nay là 10 gương mặt được vinh danh: "Công dân Thủ đô ưu tú". Xuất phát điểm của của họ có thể khác nhau, từ bác sĩ, kỹ sư, nhạc sĩ, đến tổ trưởng dân phố, nông dân chân lấm tay bùn, nhưng cái chung lớn lao trong con người họ đó là ý chí, là nghị lực, sự sáng tạo không mệt mỏi để hàng ngày, hàng giờ có những đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp dựng xây Thủ đô.
10 "Công dân Thủ đô ưu tú" được tuyên dương lần này, mỗi người một cách thể hiện tình yêu Hà Nội và một cách góp sức xây dựng Thủ đô, dù họ được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hay từ các địa phương về Hà Nội lao động, học tập. Trong số 10 "Công dân Thủ đô ưu tú" năm nay, có người sáng tác, viết nhạc như nhạc sĩ Hoàng Vân; người là nhà khoa học như Anh hùng Lao động, Giáo sư, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Tài Thu; người lại là chiến sỹ công an dũng cảm và đầy tính nhân văn như Thượng tá Lê Đức Đoàn; một bông hồng vàng, nữ doanh nhân tiêu biểu như bà Hà Thị Vinh; hay cán bộ tận tụy, tấm gương sáng cho đồng nghiệp như nguyên Chủ tịch MTTQ Phạm Lợi…, mỗi người mỗi ngành nghề, lĩnh vực công tác khác nhau, nhưng ở họ đều hiện hữu một tình yêu tha thiết với Hà Nội.
Đó là những tấm gương lao động tận tụy, những thương binh làm kinh tế giỏi, chủ trang trại, người làm công việc thầm lặng của một cán bộ cơ sở tổ dân phố… Họ đã âm thầm cống hiến cho Hà Nội bằng cả tình yêu và sự nhiệt huyết của mình, như những bông hoa đẹp, những hạt giống đang gieo mầm xanh trong cuộc sống.
Người nông dân Lê Đức Giáp (sinh năm 1955, xã Cao Viên, Thanh Oai) đã nhiều lần được nhận bằng khen vì có thành tích trong nông nghiệp, nhưng khi đón nhận tấm bằng công nhận "Công dân Thủ đô ưu tú" vẫn trào dâng niềm xúc động và tự hào to lớn. Với ông, việc mạnh dạn đầu tư làm kinh tế trang trại, tích cực tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, kết hợp với thực tiễn về trồng, ghép cây ăn quả đem lại giá trị kinh tế chỉ để thể hiện cái quyết tâm dám nghĩ, dám làm. Cũng bởi ông có biệt tài là ghép thành công nhiều loại quả trên một cây như phật thủ, cam, quýt, bưởi…, nên từ trang trại của mình, ông đã tạo việc làm cho các lao động khác. Đây cũng là cơ sở để ông giúp đỡ các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn về vốn, cây giống cũng như chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả đạt năng suất, chất lượng cao. Khi được vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú", ông vẫn thấy mình cần phải cố gắng hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho nông nghiệp của Hà Nội.
Bà Tạ Ngọc Thúy (sinh năm 1936, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm), người được bà con khu phố gọi vui là "cảnh sát dạo mát" lại không thể ngờ rằng mình lại có được vinh dự to lớn như vậy. Bởi với bà, công việc của một tổ trưởng dân phố trong 40 năm qua chỉ là công việc rất bình thường của một người yêu Hà Nội, gắn bó với Hà Nội. Bà muốn rằng, những người sống quanh mình luôn thanh lịch, giữ đúng bản chất của người dân phố cổ. Bà đã kiên trì phổ biến đến từng gia đình và vận động mọi người tự rèn nét đẹp của người Thủ đô, bỏ công sức hàng ngày nhắc nhở những người đi bán hàng thuê cho các hộ trong tổ về việc chấp hành các quy định, đặc biệt là phải giao tiếp, ứng xử văn hoá với khách hàng. Bà cười bảo: Ở cái tuổi 76, hàng ngày bà vẫn dạo quanh "đường phố", thấy việc gì không vừa mắt, góp ý luôn, nhỏ như vứt rác mất vệ sinh, hàng rong bán hàng, đi xe máy trên hè đường… Có lẽ vì thế người dân trìu mến đặt cho bà cái tên "cảnh sát dạo mát". Với danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú", bà thấy mình càng phải tích cực hơn nữa, để gìn giữ lối sống văn hóa, thanh lịch của người dân phố cổ để lại những hình ảnh thân thiện với khách du lịch trong và ngoài nước mỗi khi tham quan hồ Hoàn Kiếm.
Mỗi người một tâm sự, một niềm đam mê, nhưng ở họ đều toát lên nhiệt huyết với công việc mình làm và họ cho rằng, những việc ấy chỉ là lẽ thường tình của cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Vui (sinh năm 1944, Chủ nhiệm HTX sơn khảm Ngọ Hạ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên) lấy việc giúp đỡ những đứa trẻ bất hạnh làm niềm vui và như một sự đền đáp cho những năm tháng tuổi thơ vất vả được giúp đỡ, cưu mang... Từ tâm niệm ấy, bà Vui mở lớp nuôi, dạy nghề sơn khảm cho trẻ khuyết tật, mồ côi, con em các gia đình chính sách ngay tại HTX của mình. Những tấm gương lao động ấy thật đáng tự hào, đáng trân trọng.
Chia sẻ những cảm xúc khi được đón nhận danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú", chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1968, công nhân bậc 6/7, Tổ trưởng công đoàn mương 1, Xí nghiệp Thoát nước số 1 Công ty Thoát nước Hà Nội) nói: "Mình chỉ là một công nhân bình thường, luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao để góp phần làm sạch đẹp đô thị, cải thiện môi trường sống cho cộng đồng. So với những người khác, thành tích của mình cũng rất bình thường". Bởi đối với chị, được góp phần làm sạch đẹp đô thị, cải thiện môi trường sống cộng đồng đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là một vinh dự của người làm nghề thoát nước…
Một nét đẹp của những "Công dân Thủ đô ưu tú" là họ đều chưa thỏa mãn về đóng góp của mình cho Thủ đô và khát khao được tiếp tục cống hiến vẫn rừng rực như tình yêu họ dành cho Thủ đô ngàn năm văn hiến. Sự khiêm tốn giản dị đó của những bông hoa đẹp Thủ đô sẽ mãi tỏa sáng để lan tỏa trong đời sống xã hội và cũng chính là nhân tố để tạo nên sức sống bền vững của phong trào.