Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Những cô, cậu bé vàng": Mầm mống của thói hư

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện nay, một hiện tượng đang gây ưu phiền cho các bậc cha mẹ, mà các bác sỹ tâm lý gọi là "hội chứng con cưng".

KTĐT - Hiện nay, một hiện tượng đang gây ưu phiền cho các bậc cha mẹ, mà các bác sỹ tâm lý gọi là "hội chứng con cưng". Và ngày càng có nhiều người thực sự bất lực trước các quý cô, quý cậu của mình để phải tìm đến khoa tâm lý của các bệnh viện mong tìm được một sự giúp đỡ và chữa trị.

Nhiều bậc phụ huynh khi đưa con đến với các bác sỹ tâm lý đều trong tình trạng mệt mỏi vì tính ích kỷ, ương ngạch của con, nhiều người còn lo sợ con mình có vấn đề về thần kinh. Một chị khi đưa con đến khoa tâm lý của bệnh viện Nhi than thở: Con tôi đã bảy tuổi, không biết làm việc gì đã đành- cơm còn phải có người xúc cho- nhưng tệ hại nhất, cứ mỗi lần đòi mua thứ gì hay xin tiền mà không được là nó cứ lao đầu vào tường đòi tự tử làm cả gia đình rất hoảng. Khi được bác sĩ chẩn đoán bị "hội chứng con cưng", chị lại càng lo âu.

Một điều đáng lo ngại là cuộc sống càng khá giả, càng có nhiều những bậc cha mẹ, ông bà chiều chuộng, cung phụng quá mức những nhu cầu trẻ. Chỉ đến lúc những đứa trẻ ấy mỗi lần muốn gì mà không được đáp ứng là đập đầu vào thành giường, xuống bàn, đập phá đồ đạc trong nhà hoặc nằm ngửa ra giữa nhà giãy… đành đạch, các bậc phụ huynh mới hốt hoảng. Nhưng không ít người thay vì tìm cách khống chế con, lại đáp ứng đủ nhu cầu cho trẻ để được yên. Và những đòi hỏi của trẻ cứ lớn dần. Những "cô, cậu bé vàng" nghiễm nhiên xem mình như " cái rốn của vũ trụ ", trung tâm của mọi sự chú ý. Chính cảm giác mình là tất cả ấy khiến trẻ không biết nghĩ đến người khác, chỉ muốn mọi thứ theo ý mình, tốt cho mình. Theo các nhà tâm lý học, do sống trong môi trường được thỏa mãn mọi yêu cầu nên nhân cách của trẻ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những trẻ này dễ phát sinh thói xấu như ích kỷ, đố kỵ, không biết chia sẻ và đồng cảm với người khác.

Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng, để tránh cho con rơi vào "hội chứng con cưng", không có một phương thuốc đặc trị nào ngoài việc bố mẹ phải quan tâm, giáo dục trẻ đúng cách. Đánh trẻ cũng không phải là cách tốt nhất để cho trẻ sửa đổi mà là thể hiện sự bất lực trong cách giáo dục. Nên tập cho trẻ tự làm những việc phù hợp với lứa tuổi, thiết lập giới hạn cho trẻ, nghiêm khắc, không nên để trẻ chỉ huy. Thống nhất cách giáo dục, mọi người trong gia đình cùng hỗ trợ để giúp trẻ thích nghi. Trước tiên dạy trẻ cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, biết cách đứng lên từ thất bại. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên bàn bạc với trẻ về hình thức phạt khi trẻ làm sai và cương quyết thực hiện hình phạt khi xảy ra. Nên bắt đầu giáo dục ngay từ nhỏ và đưa ra những hậu quả khi trẻ hành động xấu, phạt ngay lập tức những sai phạm, nhưng hình phạt phải tương xứng với lỗi của trẻ như làm hư đồ thì phải sửa lại; không vâng lời thì bị giới hạn tự do; học kém cần phải học bù; gây lộn hoặc nói tục thì ngưng giao tiếp... Cha mẹ cần giúp trẻ chấp nhận tổ chức sinh hoạt trong gia đình qua việc quy định giờ ăn, học, giúp việc nội trợ, ngủ. Cha mẹ cần chính xác và nhất quán trong quyết định để tránh cảnh cha nói "không" mà mẹ nói "có". Chỉ có như vậy, nhũng đứa "con cưng" mới có thể là "con ngoan", là những người có íchsau này.